Sự phát triển của marketing qua điện thoại di động

61

Năm 2004 vừa qua được coi là bước ngoặt của các hình thức marketing qua điện thoại di động (ĐTDĐ) tại Mỹ. Đầu năm 2004 là sự bùng nổ về việc sử dụng tin nhắn đơn giản như là một hình thức marketing của các hãng để lôi kéo khách hàng. Với hơn 180 triệu khách hàng sử dụng ĐTDĐ tại Mỹ, đây được coi là kênh marketing hiệu quả để tiếp tục phát triển thêm nhiều hình thức khác thông qua ĐTDĐ.

Theo công ty Enpocket, tính đến tháng 12/2004, lượng người sử dụng ĐTDĐ ở Mỹ đã lần đầu tiên vượt số người sử dụng PC và máy tính xách tay. Cứ 1.000 người, có tới 617 người sử dụng ĐTDĐ so với số sử dụng PC hoặc máy tính xách tay là 614. Quá trình phổ cập cộng với sự phát triển, nâng cấp các mạng dịch vụ di động (tích hợp các tính năng đa phương tiện), ĐTDĐ đang là “công cụ nóng” cho các hình thức marketing trực tiếp, chi phí thấp.

Công cụ quan trọng trong marketing

Năm 2004, các chiến dịch marketing qua ĐTDĐ được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Cách thực hiện thông dụng nhất là thăm dò ý kiến, các dạng tin nhắn text-to-win (tin nhắn để giành chiến thắng) , text-back-for-coupon (tin nhắn dự thưởng) v.v… Tuy nhiên, những chiến dịch được coi là thành công nhất là khi nhà quảng cáo tạo được tính tương tác, thu hút sự hưởng ứng của nhiều người sử dụng thiết bị đối với thông tin về sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Vai trò ngày càng cao của ĐTDĐ trong cuộc sống hàng ngày đã làm tăng tính quan trọng của nó đối với các hãng trong việc cân nhắc triển khai các chiến dịch marketing trong năm 2005 và những năm sau. Khi các chiến dịch marketing qua ĐTDĐ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2004, nhiều nhà bình luận đã chỉ trích rằng, các chiến dịch này sẽ làm giảm đi sự quan tâm vào hình thức quảng cáo qua ấn phẩm, ở các trang web và các yếu tố đa phương tiện khác. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Cũng giống như hình thức marketing trực tuyến (thông qua các website) đã không triệt tiêu mà hỗ trợ rất tốt cho các biện pháp marketing truyền thống, ĐTDĐ cũng có thể là một mắt xích trong chuỗi các công cụ góp phần vào thành công của một chiến dịch marketing tổng hợp (marketing mix).

Như vậy, hiểu rõ người dùng điện thoại di động sẽ là lợi thế đáng kể trong quá trình quảng bá sản phẩm dịch vụ vì chiếc “tít tít” đang dần khẳng định vai trò như là kênh thông tin chính yếu.

Cuộc khảo sát của hãng Enpocket cũng cho thấy xu hướng về mục đích sử dụng ĐTDĐ của khách hàng trong năm 2005. Khi được hỏi, khách hàng muốn sử dụng điện thoại cho mục đích gì, kjết quả cho thấy 73% số khách hàng ở lứa tuổi từ 18 – 24 trả lời là để chia sẻ những bức ảnh còn hơn 50% trong số khách hàng từ độ tuổi từ 25-49% trả lời là dùng cho các ứng dụng được ưu tiên.

Năm 2005, MMS “lên ngôi

Dịch vụ tin nhắn đa phương tiên (MMS), một hình thức mở rộng của SMS cho phép người sử dụng ĐTDĐ để trao đổi tin nhắn bao gồm cả kết hợp giữa tin nhắn chữ (text), ảnh màu, video và audio, đang trở thành một xu hướng mới. Những khách hàng ở lứa tuổi từ 25-30 hiện tại sử dụng dịch vụ MMS chiếm khoảng 20%, dự tính 6 tháng sau sẽ tăng lên 100%. Với xu hướng ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm và sử dụng dịch vụ MMS cho phép người sử dụng có thể gửi các bức ảnh, nhiều hãng đang cân nhắc việc cho ra đời các ứng dụng như chia sẻ những bức ảnh, video thông qua mạng ngang hàng P2P và có thể sẽ có nhiều hình thức hấp dẫn hơn và tính tương tác cao hơn.

Khi công nghệ ĐTDĐ được cải thiện, hình thức truyền thông phong phú sẽ hướng con người vào những hình thức tương tác hấp dẫn. Thay vì trực tiếp gửi nội dung đến từng khách hàng, các nhà marketing khôn ngoan sẽ biết cách xây dựng và phát triển các “cộng đồng di động”.

MBlogs – những cộng đồng di động

Về cơ bản, MBlog cho phép người sử dụng cập nhật và duyệt thông tin di động ở nhiều định dạng (ảnh, audio, text và thậm chí là video). Theo nhận định, Mblogs sẽ sớm có tác động mang tính quyết định đối với định hướng tương lai của giới truyền thông. Lợi thế về tính tương tác, tính di động, tính đa định dạng… của Mblog sẽ là mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà quảng cáo. Ngoài ra, tham gia một Mblogs, người sử dụng có được cảm giác hoàn toàn tự chủ khi tiếp nhận thông tin (trái ngược với hình thức “cưỡng ép” phải nhận tin nhắn hiện đang phổ biến).

Sự thành công của các công ty ở Mỹ chứng tỏ rằng mạng thông tin di động phải được xem xét như một phương thức truyền thông đặc biệt. Rất nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định hình thức này luôn đồng hành tốt với các hình thức truyền thông khác, nhưng nó không đơn giản là internet trong phạm vi nhỏ. Khách hàng đương nhiên sẽ ngày càng khó tính, vì vậy các hãng và các công ty phải đưa ra và chỉ ra những gì mình muốn và cần cho khách hàng trong thế giới di động.

Dương Thế Lâm  –  Tạp chí BCVT & CNTT