Kể từ năm 2017 trở đi sẽ là một năm vô cùng khó khăn cho các bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh online, và cả cho các ông lớn, những cơ sở đã làm ăn phát đạt cả mấy năm vừa qua khi mà nhiều vấn đề sảy ra, nhất ở trên Facebook, khi hàng rác, chạy bùng, cc, bị dập tắt, cũng như việc khóa tài khoản liên tục khiến chúng ta nhiều lúc đau đầu để nghĩ ra những sản phẩm không vi phạm chính sách của FB. Cùng chuyên gia Trần Hà Tuấn Anh đi tìm những câu hỏi về việc tìm ra ngạch kinh doanh hợp lý cho năm nay và các năm về sau nhé.
➡Hôm qua mình thấy có bạn hỏi về việc kinh doanh thì nên bắt đầu học từ đâu? Đa phần các lời khuyên là học từ thực tế tự trải nghiệm, học từ google, học từ các khóa học ngắn hạn,… Mình chợt nhận ra có lẽ rất rất nhiều bạn đang có định kiến không tốt về kiến thức từ ghế nhà trường, coi thời gian học đại học là khoảng thời gian lãng phí. Cá nhân mình lại cảm thấy điều đó không hoàn toàn đúng, và mình sẽ lý giải quan điểm trong bài viết này.
➡Bài viết sẽ khá dài, mình đã cố gắng viết ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể nhưng chắc chắn nó vẫn sẽ dài. Tiêu đề chỉ đơn giản là dẫn dắt câu chuyện và việc giải quyết câu hỏi tiêu đề cũng chỉ gói gọn trong phần đầu của bài viết. Điều quan trọng hơn mà mình muốn chia sẻ là “Cách thức tiếp thu kiến thức để áp dụng vào kinh doanh?”
————————————————
I – 2017 – 20XX kinh doanh online gì?
➡Đây có lẽ là câu hỏi được rất rất nhiều anh em hỏi, cũng đã có rất nhiều câu trả lời, và ở bài viết này mình cũng sẽ đưa ra thêm 1 câu trả lời nữa ở một góc nhìn khác, góc nhìn từ kiến thức mình nhận được trong kinh tế học Marxist. Bản thân mình may mắn (cũng có thể là đen đủi) được học đi học lại món này 3 lần, 1 lần học chính quy đại học, 1 lần học lại vì thi rớt, giờ học thêm lên cũng phải nhai qua 1 lần nữa, nên cho dù ban đầu không thích thú và có vẻ miễn cưỡng tiếp thu, nhưng càng ngày mình càng nhận ra giá trị tư duy tuyệt với mà nó đem lại.
Để trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề, anh em có thể tham khảo công thức kinh điển về giá trị của hàng hóa: W = c + v + m
➡Trong đó, c là tư liệu sản xuất, v là sức lao động, m là giá trị thặng dư (giá trị tăng thêm)
➡Trong kinh doanh con số chủ yếu biểu hiện cho thành công là Lợi nhuận (P), tìm hiểu được nguồn gốc tận cùng của lợi nhuận sẽ giúp các bạn biết phải làm gì để gia tăng nó càng cao càng tốt. Sự thật không thể chối cãi là P có nguồn gốc từ m, tức là giá trị tăng thêm trong quá trình sản xuất. Nhưng m có nguồn gốc từ đâu? m được sinh ra trong quá trình tiêu dùng sức lao động (v). Như vậy, nguồn gốc tận cùng của lợi nhuận (P) là sức lao động (v), hay nói một cách dễ hiểu thì đó chính là yếu tố CON NGƯỜI.
➡Càng gia tăng yếu tố con người trong chu trình kinh doanh của các bạn thì giá trị tăng thêm tạo ra càng lớn, khả năng khuyếch đại lợi nhuận càng cao, và cực kỳ bền vững. Trong đó, sức lao động trí óc, lao động qua đào tạo có mức độ tạo thêm giá trị cao hơn nhiều lao động chân tay, lao động phổ thông.
➡Vì vậy, điều kiện cần để tạo ra lợi nhuận là phải có yếu tố con người (sức lao động) tham gia vào chu trình kinh doanh, và càng nhiều lao động trí óc, lao động chất lượng cao càng tốt.
Đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để đạt được lợi nhuận cao là gì?
– Khách hàng họ chỉ quan tâm tới giá trị sử dụng của hàng hóa, chứ không phải giá trị hàng hóa. Họ quan tâm đến việc sản phẩm đem lại lợi ích gì cho họ. Vì vậy, giá trị tăng thêm mà bạn tạo ra phải có ý nghĩa với khách hàng mục tiêu, đây là tiền đề về giá trị của doanh nghiệp.
– Sản phẩm bạn tạo ra có giá trị cao đối với khách hàng, nhưng chỉ có rất ít khách hàng cần nó thì bạn sẽ chết chìm trong mớ chi phí cố định. Vì vậy, giá trị mà bạn tạo ra phải có ý nghĩa với nhiều khách hàng, từ đó dùng quy mô để dìm chi phí liên quan đến c xuống, và quan trọng hơn là tổng giá trị mà bạn cung cấp cho tất cả các khách hàng sẽ tăng lên. Đây chính là tiền đề về tăng trưởng của doanh nghiệp.
➡Kết hợp các điều kiện trên, các bạn sẽ có câu trả lời thỏa đáng: Kinh doanh cái méo gì cũng được, chỉ cần nó thỏa mãn 2 điều kiện sau thì không muốn lãi bạn cũng phải lãi:
1) Phải có sự tham gia của yếu tố con người càng nhiều càng tốt, và tỉ lệ lao động chất xám càng cao càng tốt: Đa phần các bạn không phải là người sản xuất ra sản phẩm, mà chỉ là người mua rồi bán lại, việc tạo thêm 1 lượng giá trị lớn từ sức lao động là khó, nhưng không phải là không thể. Hãy cố gắng tạo thêm giá trị từ việc xây dựng thương hiệu, chăm sóc khách hàng, xây dựng niềm tin ở khách hàng, kết hợp sản phẩm dịch vụ, tạo thêm tính năng mới mà không phải can thiệp nhiều vào đặc tính vốn có của sản phẩm,… đó chính là những “giá trị cốt lõi” mà các bạn phải có bằng được nếu muốn tồn tại lâu dài.
2) Sản phẩm dịch vụ của các bạn phải có giá trị sử dụng với khách hàng mục tiêu, làm thỏa mãn họ, giúp họ giải quyết vấn đề và quan trọng là nhu cầu về sản phẩm dịch vụ đó trong xã hội phải cao. Một trong những lý do các Starup chết yểu là do vi phạm nguyên này, các founder nghĩ ra ý tưởng, áp đặt lỗi suy nghĩ chủ quan của mình lên khách hàng và tự ngộ nhận rằng khách hàng sẽ rất cần sản phẩm dịch vụ đó, sẵn sàng chi trả để có được nó, sẵn sàng mời và giới thiệu bạn bè dùng thử,… Rồi các nhà ý tưởng tự vẽ lên cho mình viễn cảnh tươi sáng về một công ty khởi nghiệp, đầy hào hứng lao vào sản xuất sản phẩm dịch vụ, lên kế hoạch marketing hoành tráng, đầu tư máy móc công nghệ, tạo ra thật nhiều giá trị tăng thêm… để rồi đến khi sản phẩm bắt đầu tiếp cận đến khách hàng, họ mới nhận ra thực tế phũ phàng là khách hàng hàng không cần sản phẩm dịch vụ của họ. Họ thất bại ê chề và tự vỗ về bằng lý do ít ra tôi đã có được bài học để lần sau không vấp ngã, thất bại là bà cố ngoại của thành công. Bao nhiêu nhiệt huyết đam mê, bao nhiêu sáng tạo, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu sản phẩm,… tất cả đổ xuống sông xuống biển, cả tòa nhà sụp đổ chỉ vì viên gạch đầu tiên đặt sai vị trí, tiếc lắm các bạn ạ! Trong khi cái giá phải trả để có được bài học có thể thấp hơn nhiều. Vì vậy, trong thời buổi người người kinh doanh, nhà nhà đi buôn, thị trường lên xuống thất thường, khó đoán, để tránh phải trả giá quá đắt cho mỗi bài học, hãy tìm cách kiểm nghiệm thực tế mọi ý tưởng ở quy mô nhỏ trước, khảo sát thị trường, chạy thử sản phẩm, làm từng bước từ thấp đến cao, dần dần các bạn sẽ thành công bằng con đường vững chắc nhất.
———————
➡Vậy là đã giải quyết xong câu hỏi tiêu đề trên phương diện lý thuyết. Tiếp theo sẽ là những ví dụ thực tế để chứng minh lý thuyết trên.
1) Các bạn buôn hàng theo trend có cảm thấy việc buôn bán của các bạn ngày càng khó khăn, cành tranh ngày càng cao không, lợi nhuận ngày càng giảm không? Cùng phân tích nhé: Sản phẩm của các bạn đảm bảo được điều kiện thứ 2, sản phẩm có giá trị sử dụng và có nhu cầu cao trong xã hội (hot mà). Nhưng các bạn tạo được thêm bao nhiêu giá trị? Đơn giản chỉ là nhập và và bán ra, giá trị tăng thêm duy nhất mà các bạn đem đến cho khách hàng là sự tiện lợi về địa lý, cũng lắm thì thêm một vài lời tư vấn về sản phẩm, và các bạn bán với tỷ suất sinh lời ít nhất là 100%. Giá trị tăng thêm quá ít, không tương xứng với mức lợi nhuận cao, điều này trái ngược hoàn toàn với điều kiện thứ nhất, trong ngắn hạn có thể lãi cao nhưng dần dần mọi thứ sẽ trở về đúng quy luật của nó, tiền lãi các bạn nhận được sẽ luôn tương xứng với những gì bỏ ra, và thời gian lãi to ban đầu của các sản phẩm trend trong tương lai sẽ ngày càng rút ngắn.
2) Xu hướng khởi nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin: Không cần nói nhiều các bạn cũng thấy trong số các phi vụ khởi nghiệp thành công từ bé đến lớn, đâu đó đều thấy có sự liên quan đến công nghệ thông tin. Đó là xu hướng sử dụng lao động chất xám, lao động công nghệ cao để dồn nén lượng giá trị tăng thêm khổng lồ vào mỗi sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ phía khách hàng.
3) Xu hướng hội nhập dọc: Quay trở lại công thức W = c + v + m. Bản thân các tư liệu sản xuất (c) cũng là hàng hóa, vì vậy có thể coi c = c’ + v’ + m’ hay W= = c’ + v’ + m’ + m. Tức là bản thân các tư liệu sản xuất đã chứa các giá trị tăng thêm từ chu trình sản xuất trước đó. Tất các các chu trình sản xuất từ đầu đến cuối để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh đều tạo ra giá trị tăng thêm ở mỗi giai đoạn tạo thành chuỗi giá trị, chu trình nào làm ra nhiều giá trị tăng thêm hơn thì khả năng sinh lời cao hơn . Vì vậy, để tối đã hóa lợi nhuận, các công ty luôn cố gắng tham gia tạo ra nhiều giá trị tăng thêm nhất có thể trong kết cấu giá trị sản phẩm cuối cùng. Tôi có công ty xây dựng, việc của tôi là biến sắt thép, xi măng, gạch ngói thành nhà ở, tôi tạo ra được m. Giờ tôi mở thêm công ty con sản xuất thép, xi măng, gạch ngói, việc của tôi là biến quặng thô, đá vôi, đất sét thành nhà ở, tôi tạo ra m’ + m, đó là hội nhập dọc ngược chiều. Tôi có công ty sản sữa tươi, việc của tôi là biến bò và cỏ thành sữa, tôi tạo ra m’. Giờ tôi mở thêm công ty con sản xuất kẹo, việc của tôi là biến bò và cỏ thành kẹo, tôi tạo ra m’ + m, đó là hội nhập dọc xuôi chiều. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với quy luật, giá trị tăng thêm càng lớn thì lợi nhuận càng cao.
➡Còn rất rất nhiều bằng chứng khác để chứng minh cho lý thuyết ban đầu các bạn có thể tự nhìn xung quanh và kiểm nghiệm. Đọc đến đây các bạn đã có được câu trả lời cho câu hỏi tiêu đề, nhưng đây không phải là mục đích chính của bài viết. Mục đích chia sẻ chính nằm ở phần II dưới đây các bạn nhé!
—————————————————–
⚡ II – Mindset hay toolset?
Mindset: Tư duy, nguyên lý căn bản.
Toolset: Công cụ, cách thức thực hiện.
➡Nếu bạn đọc đến đây, thì chắc chắn cũng đồng ý với mình rằng mindset quan trọng hơn, nhưng trớ trêu thay đa phần các bạn kinh doanh đang chỉ tập trung vào cải thiện kiến thức toolset.
– Chủ hàng phở 1: Anh ấy chỉ biết rằng muốn bán được nhiều phở thì phải trang trí cửa hàng đẹp, đến khi các quán phở khác cũng trang trí của hàng đẹp thì không biết phải làm gì tiếp theo.
– Chủ hàng phở 2: Anh ấy biết rằng việc trang trí của hàng đẹp giúp tạo thêm giá trị cho bát phở mà anh ta bán, từ đó khách đến ăn nhiều hơn. Đến khi các hàng phở khác cũng trang trí đẹp, mất lợi thế cạnh tranh, anh ấy lại tìm thêm cách để làm tăng giá trị bát phở anh bằng cách bán thêm trà đá, khách vừa ăn phở vừa nhâm nhi trà đá rất tiện lợi, hàng phở của anh ấy hút khách cho đến khi các quán khác cũng bán trà đá kèm phở. Anh ấy liên tục thay đổi cách thức để tạo thêm giá trị cho bát phở nhưng chỉ được một thời gian các quán khác cũng bắt chước, anh ấy botay.com
– Chủ hàng phở 3: Anh ấy không những biết rằng cần tạo thêm nhiều giá trị cho bát phở mà còn biết phải tạo ra giá trị đó chủ yếu từ lao động chất xám, và cố gắng không để kẻ khác bắt chước. Anh ấy đóng cửa hàng 1 tháng để nghiên cứu ra công thức nước dùng độc quyền, sau đó trang trí lại cửa hàng, bán thêm trà đá. Kết quả là khách đến ăn phở ngày càng đông.
➡Các bạn đang ở vị trí chủ của hàng phở số mấy?
➡Mindset có vai trò làm nền móng cho toolset, lý thuyết đúng đắn luôn dẫn đến hành động đúng đắn. Trong bối cảnh thị trường đầy biến động như bây giờ, các quy luật cơ bản vẫn là bất biến, nhưng những cách thức trước đây áp dụng tốt có thể đưa bạn đến bờ vực phá sản trong tình hình hiện tại. Vì vậy, nếu muốn kinh doanh sống sót trong thời buổi này, thứ cần học hỏi trước tiên là mindset. Tại sao khoảng thời gian mà mình đề cập ở tiêu đề lại là 2017 – 20XX mà không phải 2017 hay 2017 – 2018? Bởi vì nó dựa trên một quy luật mà mình cho là đúng đắn, và luôn luôn đúng, nên cho dù có đặt trong bối cảnh nào đi chăng nữa nó vẫn luôn đúng.
➡Trong mớ kiến thức mà các bạn tiếp thu hàng ngày, luôn bao gồm cả mindset và toolset. Trong đó, tỷ lệ mindset cao hơn trong sách vở, trong các khóa đào tạo dài hạn, và thấp hơn rất nhiều trong các bài viết trên mạng, các khóa học ngắn hạn. Lý do là các kiến thức thuộc về mindset được đúc kết và chứa đựng thông tin rất lớn, cần nhiều chữ nghĩa để trình bày, khó tiếp thu, không thể hiện trực tiếp từ thực tế và cần chiêm nghiệm một thời gian dài để hiểu. Đó chính là lý do chúng ta ngại tiếp thu, ngại thay đổi mindset. Ngược lại, với toolset, rất đơn giản, dễ hiểu, nói thế nào chỉ cần làm theo là được, hiệu quả được thể hiện tức thời. Nhưng hãy nhớ rằng toolset là biểu hiện của mindset trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Tức là khi bối cảnh thay đổi, toolset có thể không còn phù hợp với mindset.
➡Vậy cải thiện mindset bằng cách nào? Muốn cải thiện thì phải học thôi, nhưng đặc tính kiến thức mindset rất khô khan và khó hiểu, nên bạn cần cải thiện cả mindset và toolset cùng lúc, hai cái này bổ trợ cho nhau cực kỳ bá đạo. Toolset giúp chúng ta thấy mindset được thể hiện trong thực tế như thế nào, mindset giúp lý giải tính đúng đắn của toolset.
➡Quay trở lại vấn đề có nên học đại học, có lãng phí thời gian khi học đại học? Câu trả lời của mình là có hay không là ở bạn. Kiến thức sách đại học đặc sệt kiểu 100% mindset, và cũng không nhiều thầy cô vừa giảng vừa lấy ví dụ (những thầy cô nào vừa giảng vừa liên kết được với thực tế đều được sinh viên đánh giá cao, giảng hay và dễ tiếp thu hơn rất nhiều), vì vậy nếu không muốn bộ não bị bội thực kiến thức thì các bạn nên tiếp thu mindset ở trường học kết hợp tiếp thu toolset từ bên ngoài, hai cái đó sẽ bổ trợ cho nhau để bạn tiếp thu một cách tốt nhất. Các bạn nên cố gắng tạo thói quen tự lý giải toolset bằng mindset, nó vừa giúp liên kết 2 thứ để tiếp thu dễ hơn, vừa tạo động lực để cải thiện mindset. Nếu bạn có đăng ký khóa học hay đọc một quyển sách nào đó, chỉ cần học 1 buổi đầu tiên hay đọc những trang đầu tiên là có thể biết mình có nên đọc / học tiếp hay không. Nếu ông thầy giảng lý thuyết sau đó chứng minh bằng ví dụ thực tế, hoặc đưa ra cách làm thực tế, sau đó lý giải tại sao lại làm như thế (ở mức độ càng sâu càng tốt) thì đó là dấu hiệu của khóa học tốt. Còn nếu thầy chỉ thao thao về lý thuyết, mình chắc chắn bạn sẽ không hiểu gì hoặc hiểu rất ít. Tệ hơn là các ông thầy dạy kiểu phải làm thế này, nó là đúng, không cần giải thích nhiều,…, đến khi các điều kiện để áp dụng kiến thức đó nó biến động 1 chút thì hoặc là bạn tiếp tục đem tiền cho ông thầy đó để học khóa mới, hoặc là chày cối áp dụng mớ toolset cũ rồi phá sản. Họ chỉ bán cho bạn con cá, muốn có thêm cá bạn lại phải bỏ tiền ra. Còn đối với các ông thầy có đức, có thể họ không bán cho bạn được ngay cái cần câu, nhưng ngày hôm nay họ bán cho bạn cái dây, hôm sau bạn lại mua được cái móc,… dần dần bạn sẽ có cái cần câu của riêng mình.
———————————————————–
⚡ III – Lời kết
Hơi nực cười là mình viết bài này rất dài, chém rất máu nhưng sự thực mình vẫn chưa khởi nghiệp. Có một điều chắc chắn là giá trị sức lao động kết tinh trong bài viết này là rất lớn (bao gồm cả lao động chất xám của Các Mác và Lê Nin, cùng rất nhiều tác giả viết sách, viết báo mạng khác,…), trong đó có phần giá trị tăng thêm do mình tạo ra, ngồi nguyên ngày để viết, để chỉnh sửa, chau chuốt câu chữ, cố gắng kết hợp những thứ đã đọc, đã học.
Mình đưa cho các bạn giá trị, các bạn sẽ đưa lại cho mình một giá trị tương xứng khác, đó là sự phản hồi, sự kiểm nghiệm về lý thuyết mà mình vừa chém. Tuy chưa khởi nghiệp, nhưng chắc chắn sắp tới mình sẽ khởi nghiệp, và khởi nghiệp trên cơ sở những lý thuyết mình đã viết, lý thuyết sai thì phi vụ khởi nghiệp cũng đi tong. Tại sao không coi đây là một phép thử để kiểm chứng tính đúng đắn trong mindset của mình, một phép kiểm chứng để tránh rủi ro theo nguyên tắc số 2.
✏ Mỗi 1 like facebook là một khách hàng tiềm năng quan tâm, tìm kiếm sản phẩm.
✏ Mỗi 1 cmt facebook tích cực là một khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua sản phẩm, sử dụng sản phẩm, mỗi cmt phản biện, tiêu cực là một khách hàng rời bỏ, và cảm thấy sản phẩm không đáng tiền.
✏ Mỗi 1 share facebook là một khách hàng tin tưởng vảo sản phẩm, sẵn sàng giới thiệu nó cho anh em bạn bè sử dụng.
Hơn hết, cảm ơn các bạn đã đọc đến đây vì mình biết bài viết rất dài, nếu đã đọc rồi thì đừng ngại phản hồi bên dưới nhé!
-THTA- Nguồn: iSocial