I. Các quy định chung:
1. Hoạt động giao dịch, mua bán trên các website thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định tại:
– Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về thương mại điện tử.
– Thông tư 09/2008/TT-BCT ngày 21 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công Thương về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử,
– Thông tư số số 46/2010/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ..
– Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến giao dịch điện tử
2. Chỉ các thương nhân đã đăng ký kinh doanh, các tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật mới được thiết lập website thương mại điện tử. Thông tin về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc quyết định thành lập của tổ chức phải được công bố rõ ràng trên trang chủ của website.
3. Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải đăng ký với Bộ Công Thương.
4. Những hành vi bị nghiêm cấm:
i. Lập website thương mại điện tử để tiến hành hoạt động kinh doanh khi chưa đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
ii. Cung cấp thông tin giả mạo về đăng ký kinh doanh hoặc nhân thân trên website thương mại điện tử.
iii. Gắn biểu tượng đăng ký giả mạo trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
iv. Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử.
v. Tiết lộ bí mật kinh doanh của các thương nhân, cá nhân tham gia bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
vi. Lấy cắp hoặc sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các thương nhân, tổ chức, cá nhân giao dịch trên website thương mại điện tử.
vii. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về thương mại và Internet.
II. Hệ thống quản lý Website thương mại điện tử Việt Nam:
1. Đối tượng tham gia:
– Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử tham gia Hệ thống để đăng ký website và thông báo các thay đổi liên quan tới hoạt động của website với Cơ quan quản lý nhà nước.
– Cán bộ quản lý tham gia Hệ thống để tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký và theo dõi hoạt động của các sàn giao dịch thương mại điện tử.
2. Loại hình website cần phải đăng ký:
– Website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử (là website cho phép nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên đó).
3. Các chức năng của Hệ thống:
– Đăng ký hồ sơ Thương nhân
– Đăng ký website cung cấp dịch vụ Sàn giao dịch thương mại điện tử
– Theo dõi tình trạng hồ sơ đăng ký
– Quản lý và cập nhật thông tin đăng ký
– Gửi Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của website
4. Một số điểm cần lưu ý:
– Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận thông tin đăng ký của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử (chủ sàn giao dịch TMĐT) đáp ứng đầy đủ các quy định tại Thông tư 46/2010/TT-BCT.
– Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm quản lý các hoạt động trên website của mình thông qua việc ban hành và theo dõi thực thi các quy trình giao dịch đã được công bố.
– Bên cạnh việc đăng ký với Bộ Công Thương, chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử phải bảo đảm việc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ trên sàn tuân thủ mọi quy định của pháp luật về thương mại và Internet.
– Việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website thương mại điện tử sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đó.