m-Commerce, Tương Lai Của e-Commerce Việt Nam?

418
m-Commerce, Tương Lai Của e-Commerce Việt Nam?

Mục lục

  • m-Commerce là gì?
  • Thị trường m-Commerce đang ở vị trí nào trên thế giới và Việt Nam?
  • Xu hướng thiết kế Mobile-first
  • Cổng thanh toán di động
  • Sự tấn công và đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài

Có vẻ như còn quá sớm để nói về m-Commerce khi thị trường e-Commerce tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn “tiền bùng nổ” và non trẻ so với thế giới. Tuy nhiên chỉ cần nhìn vào những dữ liệu và tình hình hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới, các start-up hay chủ doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận ra mình cần phải chuẩn bị những gì trong chiến lược của mình để đón đầu xu thế chung.

m-Commerce là gì?

m-commerce
Ảnh: Volusion

m-Commerce là cụm từ viết tắt dành cho mobile commerce, hay thương mại di động. Đó là những hoạt động tìm kiếm, mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên các thiết bị di động. Nói cách khác, đó là một trải nghiệm mua sắm trực tuyến toàn diện, với tất cả các tiện lợi trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Thị trường m-Commerce đang ở vị trí nào trên thế giới và Việt Nam?

Câu trả lời khá đơn giản: gần như ở mọi nơi.

Không có gì ngạc nhiên khi theo một số liệu của comScore vào tháng 6/2014, hơn một nửa thời gian của một khách hàng trên các thiết bị điện tử thuộc về các thiết bị di động, đồng nghĩa với hơn 3,2 tiếng/ngày. Còn theo Altimeter, một khách hàng sử dụng smartphone hơn 150 lần/ngày.

Với sự bùng nổ của smartphone và máy tính bảng, thị trường m-commerce đã lên “như diều gặp gió”. Theo eMarketer , thị trường bán lẻ m-commerce tại Mỹ trên smartphone và máy tính bảng sẽ tăng từ 42.13 tỉ $ năm 2013 (chiếm 16% tổng 263 tỉ $ lượng giao dịch online) lên tới 132.69 tỉ $ vào năm 2018 (chiếm 27% của tổng 491.44 tỉ $). Còn theo dự đoán của ngân hàng quốc tế thuộc tập đoàn Goldman Sachs, lượng giao dịch của m-commerce sẽ chiếm gần nửa tổng lượng giao dịch trực tuyến toàn thế giới vào năm 2018!

Ngoài ra, bạn không thể không nhắc đến cụm từ “showrooming” khi nói về m-commerce. Đó là hành động để chỉ một khách hàng đến một cửa hàng ngoài đời thực để xem một sản phẩm, nhưng thay vì mua ngay sản phẩm đó, họ quay về nhà tìm kiếm và mua online với giá rẻ hơn. Sự phát triển nhanh chóng của m-commerce cũng khiến “showrooming” dễ dàng hơn bao giờ hết với chiếc smartphone của bạn.

Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng ta có thể nói gọn trong 2 cụm từ: tăng trưởng mạnh và đầy tiềm năng.

Hãy cùng nhìn lại thị trường Việt Nam đầu năm 2014. Với 39% dân số sử dụng Internet và hơn nửa trong số đó có sử dụng mạng xã hội Facebook. Điểm cần chú ý đó chính là cứ 1 người Việt thì có trung bình 1.45 thẻ SIM điện thoại.

Với mức độ tăng trưởng khổng lồ trong những năm sắp tới, theo chuyên gia về TMĐT Jonny Trí Dũng (http://vn.ecommercemilo.com), thị trường TMĐT có quyền tự tin rằng với sự đầu tư đúng mực sẽ mang lại tiềm năng vô cùng to lớn.

vietnam_snapshot

Đi sâu hơn vào mảng di động, số liệu cho thấy 90% khả năng truy cập Internet của Việt Nam đến từ mobile. Thời gian online bằng di động chiếm 30% so với tổng thời gian trung bình online bằng Laptop/Desktop.

vietnam-internet-indicators-jan-2014

Trong đó số lượng người sở hữu điện thoại thông minh chiếm khoảng 20% và 60% dùng smartphone để mua sắm (trong khi có đến 95% số người dùng smartphone để tìm kiếm thông tin về sản phẩm).

vietnam-smartphone-useage-jan-2014

Ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG cũng có cái nhìn chung về tiềm năng phát triển của các thiết bị di động tại Việt Nam khi dự đoán: ““Theo ước tính của tôi, nếu năm 2014, số người Việt Nam sử dụng internet là 36 triệu (chiếm 40% dân số) với khoảng 20 triệu sử dụng internet trên các thiết bị di động thì đến năm 2024, sẽ có 70 triệu người Việt Nam sử dụng internet chủ yếu qua các thiết bị di động”.

Ông Vương Vũ Thắng, CEO của VCCorp cũng không ngần ngại khẳng định thương mại điện tử và nền tảng mobile sẽ là trọng tâm phát triển của công ty trong năm 2014.

Với sự cam kết của các đại gia TMĐT tại Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng thấy được tầm quan trọng của thiết bị di động trong sự phát triển chung của thị trường.

Xu hướng thiết kế Mobile-first

mobile-first

Sự lựa chọn cho các sản phẩm, dịch vụ giờ đây đã không còn là có tương thích với mobile, mà đã chuyển dần sang ưu tiên hàng đầu cho mobile (mobile-first).

Các thiết bị di động đã thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Khách hàng của bạn sử dụng laptop và máy tính bàn khi đi làm, máy tính bảng khi trở về nhà và thư giãn, điện thoại trước khi đi ngủ, thức dậy, khi di chuyển và tất cả mọi bước trung gian.

Chính vì vậy, người sử dụng đòi hỏi một trải nghiệm hoàn hảo trên các thiết bị, và tùy thuộc vào ngành nghề công ty, bạn sẽ cần phải hiểu họ tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn vào lúc nào và như thế nào. Đừng bỏ mặc website của bạn trên máy tính bàn, nhưng hãy ưu tiên cho các thiết bị di động trước đã! Tạo cho người sử dụng có một trải nghiệm tuyệt vời khi họ cần, trên thiết bị họ sử dụng, và bạn đã có được một khách hàng. Không làm việc này và bạn đã mất một khách hàng rồi đấy!

Theo Google thì 67% người sử dụng sẽ dễ mua hàng hơn nếu có được một trải nghiệm tốt thiết bị di động. Trong khi đó 61% nói rằng họ sẽ rời khỏi một trang di động nếu họ không lập tức thấy được những gì họ tìm kiếm.

Cổng thanh toán di động

“Hai thách thức lớn nhất của thương mại điện tử trong nước vẫn là phương thức thanh toán và chất lượng giao hàng”. Trần Sơn, CEO của Tiki.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, CEO của VNP cũng có chung quan điểm: “Nếu không có hành lang pháp lý chặt chẽ của Nhà nước đứng ra thừa nhận và cấp phép cho các công ty hoạt động, không có công ty nào có đủ khả năng tạo uy tín cho người tiêu dùng để họ có thể yên tâm chuyển tiền online được”.

Và trong khi các cổng thanh toán trực tuyến hay ví điện tử trong nước vẫn đang ngần ngại trước sự lỏng lẻo trong hành lang pháp lý hoặc loay hoay xoay sở thói quen người sử dụng, thì các giải pháp từ các đại gia thế giới có thể sẽ giúp giải quyết những vấn đề trên.

ApplePay khi có mặt tại Việt Nam có thể sẽ tạo ra đột biến bởi sự đơn giản, tiện dụng và được hưởng lợi từ sự phổ biến của iPhone và độ tin tưởng cao từ thương hiệu Apple. Bạn có thể dễ dàng mua các sản phẩm từ các ứng dụng bán hàng có tích hợp dịch vụ này trong tương lai, dễ dàng như bạn sử dụng tài khoản Apple ID để mua ứng dụng và nhạc vậy.

apple-pay-in-app
Ảnh: Apple

Một đại gia lớn khác là Facebook với hơn 20 triệu người sử dụng tại Việt Nam (nằm trong top 10 nước có lượng user mới tăng nhanh nhất thế giới), và 30% số đó sử dụng trên thiết bị di động cũng đang rục rịch thử nghiệm việc tích hợp nút “Mua ngay” ngay trên các bài post và quảng cáo. Nếu bạn đã từng sử dụng công cụ quảng cáo của Facebook trên thiết bị di động, bạn sẽ thấy việc này dễ dàng như thế nào với chỉ 1 click.

facebook-buy-button
Ảnh: Facebook

Sự tấn công và đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài

Đầu tiên phải kể đến Lazada của Rocket Internet (Đức) tham gia với ứng dụng B2C (Business to Customers) trên hệ điều hành Android, iOS. Chotot.vn, trang web theo mô hình C2C (Customers to Customers) của tập đoàn 701, công ty liên doanh giữa tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings Limited, tập đoàn truyền thông Schibsted và tập đoàn viễn thông Telenor cũng tham gia với ứng dụng trên ba nền tảng là iOS, Android và Windows Phone.

Tiếp đến là tin đồn đại gia Nhật Bản Rakuten đã vào Việt Nam, đang tìm hiểu và (có thể) làm việc với một đối tác lớn tại thị trường trong nước. Được biết, đối tác này là một công ty internet & truyền thông lớn, có nhiều sản phẩm phủ rộng đến nhiều đối tượng & phân khúc khách hàng khác nhau. Phi vụ thâu tóm Viber với giá 900 triệu USD đã được khẳng định bởi Giám đốc điều hành Rakuten, ông Hiroshi Mikitani, sẽ giúp họ mở rộng việc kinh doanh nội dung số tới các thị trường mới nổi. “Chúng tôi tin rằng hiện tượng thiết bị di động sẽ là động lực lớn nhất giúp phát triển m-commerce”, Kenichiro Nakajima, Rakuten giám đốc mảng di động cho biết. Và thực tế đã chứng minh khi Rakuten Nhật bản và Rakuten Tarad, một thương hiệu con thành công tại Thái Lan, đã đạt được những con số ấn tượng từ m-commerce trên cả 2 thị trường trong nửa đầu 2014.

rakuten-tarad
Thành công của Tarad sẽ là bàn đạp cho Rakuten tại thì trường m-commerce Việt Nam?

Các con số và thông tin trên cho thấy Việt Nam là một quốc gia tiềm năng cho m-commerce. Và thực tế, thị trường trong nước đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia khai thác. Câu hỏi là nó sẽ phát triển nhanh đến mức nào so với thế giới và bạn sẽ thay đổi điều gì trong chiến lược của mình để đón đầu xu thế này?

Tác giả: Linh Nguyễn