3 xu hướng marketing các startup cần biết trong 2017

71

Sản phẩm càng thỏa mãn nhu cầu được hài lòng ngay tức thì của khách hàng, càng có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

James Nguyen – cây viết quen thuộc với giới startup Australia trong lĩnh vực tâm lý học cho biết, xu hướng vốn là thứ khó đoán. Cách tốt nhất để lên kế hoạch về những điều chúng ta không biết là dựa trên những thứ mà chúng ta đã biết.

Để giảm bớt ảnh hưởng từ các biến động nhạy cảm trên thị trường, startup cần lập chiến lược marketing xoay quanh những yếu tố mang tính bền vững, một trong số đó là tâm lý người tiêu dùng.

Bài viết sau không thiên về dự đoán các xu hướng marketing trong năm 2017 mà chú trọng phân tích tâm lý khách hàng, từ đó áp dụng chúng vào lĩnh vực marketing. Tác giả cũng giới thiệu một số startup công nghệ sớm đón đầu những xu hướng này.

1. Làm hài lòng khách hàng tức thì

Tâm lý: Mong muốn được hài lòng tức thì xuất hiện khi con người có nhu cầ

u nhận được thứ gì đó ngay tại thời điểm muốn có nó. Chúng ta không thích chờ đợi. Ở khía cạnh sinh học, chúng ta tìm kiếm sự hài lòng thông qua việc thỏa mãn nhu cầu bản thân. Những nhu cầu đó có thể thuộc về yếu tố sinh lý, xã hội hay vật chất.

Trong marketing, khi một thương hiệu không đáp ứng được nhu cầu “được giải quyết tức thì”, khách hàng sẽ cảm thấy lo lắng. Theo James, startup càng sớm đáp ứng nhu cầu này chừng nào thì khách hàng càng dễ đánh giá tốt về thương hiệu chừng ấy.

Góc độ marketing: Startup sẽ có nhiều lợi thế khi sớm cung cấp giá trị thương hiệu cho khách hàng. Đặc biệt, giá trị đó không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn bao gồm cả thông tin mà khách hàng nhận được. Khi nhận được thông tin phản hồi tức thì về sản phẩm, khách hàng sẽ cảm thấy tin tưởng hơn vào thương hiệu.

Có nhiều cách khiến khách hàng hài lòng ngay lập tức, bao gồm đưa ra thông tin minh bạch về sản phẩm, xuất hiện tức thì trên các kênh truyền thông, cung cấp kênh download tốc độ cao.

Startup tiêu biểu: Khá nhiều startup cố gắng phá vỡ rào cản thời gian bằng cách cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngay khi khách hàng muốn có chúng. Uber, Airbnb hay Deliveroo là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, các loại hình startup này vẫn đang cố thâm nhập thị trường. Theo James, điều này bộc lộ rằng khách hàng vẫn mong muốn được đáp ứng nhu cầu hài lòng tức thì hơn nữa.

Những startup tiêu biểu của Australia đáp ứng nhu cầu này bao gồm: Trov (dịch vụ bảo hiểm theo yêu cầu), AirTasker (dịch vụ làm việc vặt theo yêu cầu) và Vaniday (dịch vụ làm đẹp trực tuyến theo yêu cầu).

2. Cho phép khách hàng tùy chỉnh sản phẩm

Tâm lý: Con người thường chú ý đến những thứ có liên quan trực tiếp tới bản thân. Sự cá nhân hóa làm tăng mối liên kết cảm xúc giữa chúng ta với một thương hiệu bất kỳ nếu thương hiệu đó tạo cảm giác khiến chúng ta ý thức hơn về cá tính của mình.

Trong marketing, việc được phép tác động lên sản phẩm khiến khách hàng dành nhiều thời gian và cảm xúc hơn cho nó. Bên cạnh mục đích thể hiện cá tính riêng, hành động này còn làm tăng giá trị sản phẩm trong nhận thức của khách hàng.

Góc độ marketing: Hãy để khách hàng tự do tùy chỉnh sản phẩm. Dù startup của bạn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phần mềm hay mạng xã hội thì mọi khách hàng đều có tâm lý giống nhau. Sản phẩm, dịch vụ của bạn nên cung cấp thêm một số tính năng, tùy chọn mở rộng hoặc bổ sung yếu tố thẩm mỹ cho phép khách hàng tự do sáng tạo.

Cách làm này giúp khách hàng có thêm trải nghiệm trên sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu cá nhân, thỏa mãn “cái tôi” của họ. Sự hấp dẫn trong việc thể hiện cá tính bản thân sẽ khiến khách hàng đầu tư hơn vào thương hiệu của bạn.

Hành động được tự do tùy chỉnh là một hấp lực vô hình. Các startup bán lẻ đã sớm nhận ra nhu cầu khao khát sáng tạo của người dùng. Một thương hiệu càng tạo điều kiện giúp khách hàng tùy chỉnh sản phẩm càng thu hút thêm nhiều khách hàng.

Startup tiêu biểu: Startup Shoes of Prey cho phép khách hàng tự thiết kế mẫu giày yêu thích, hay statup Disrupt Surfing để khách hàng tự chọn các mẫu thiết kế trước khi in trên ván lướt sóng mà họ đặt mua.

3. “Tư duy” giúp khách hàng

Tâm lý: Chúng ta có xu hướng chọn những thứ đơn giản, dễ làm, những công việc cần ít nỗ lực và kinh nghiệm nhất. Điều này khiến không ít người thích ra những quyết định không cần mất nhiều thời gian suy nghĩ. Trong tâm lý học, điều này liên quan đến sở thích tự động hóa mọi việc và tâm lý này tác động lên những sản phẩm mà khách hàng ưa chuộng.

Một sản phẩm tuy phức tạp nhưng được trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu trước mắt khách hàng sẽ tạo lợi thế kinh doanh cho sản phẩm đó.

Góc độ marketing: Hãy thể hiện cho khách hàng thấy rằng sản phẩm của bạn sẽ giúp cuộc sống của họ dễ chịu hơn. Startup nên đưa ra thông điệp rõ ràng và xem việc “tư duy” giúp khách hàng như một lợi ích cạnh tranh của công ty. Hãy tiết kiệm thời gian cho khách hàng bằng cách “tư duy” giúp họ.

Startup tiêu biểu: AI (trí tuệ nhân tạo) và Machine Learning (một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kỹ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể) đang được dự đoán là xu hướng công nghệ dẫn đầu trong năm 2017. Các công nghệ này cho phép các công ty tự động trở nên thông minh hơn trước, nhờ vậy cải thiện hiệu suất hoạt động.

Công ty phần mềm Salesforce dự đoán giới startup sẽ trải nghiệm những lợi ích từng phần khi các công ty lớn đầu tư vào xu hướng này, hiện một trong số đó là startup Flamingo có trụ sở đặt tại Sydney.


VÂN THẢO

(Theo DNSG. Nguồn: Forbes)

Nguồn: oneoffice.com.vn