Mục lục
- 1. Không Làm Cho Trang Web Tương Thích Với Nhiều Trình Duyệt
- 2. Không Tối Ưu Hóa Website Cho SEO
- 3. Ẩn Thông Tin Liên Hệ
- 4. Yêu Cầu Khách Hàng Đăng Ký Tài Khoản Trước Khi Đặt Hàng
- 5. Quy Trình Thanh Toán Dài và Phức Tạp
- 6. Không Tối Ưu Hóa Website Trên Giao Diện Di Động
- 7. Thiết Kế Giỏ Hàng Kém Thẩm Mỹ
- 8. Thiếu Đầu Tư Cho Tiếp Thị Lại (Remarketing)
Website thương mại điện tử đã trở thành “cánh tay phải” đắc lực giúp doanh nghiệp thúc đẩy doanh số và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Với sự trợ giúp của hàng loạt tiện ích, việc xây dựng một website thương mại điện tử đã không còn là bài toán khó. Tuy vậy, mắc phải những lỗi thông thường trong thiết kế website gây ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh là việc không tránh khỏi.
Hãy cùng HiSella thảo luận 8 lỗi thường gặp trong website thương mại điện tử và các thủ thuật giúp khắc phục lỗi trên.
1. Không Làm Cho Trang Web Tương Thích Với Nhiều Trình Duyệt
Nếu phải lựa chọn một trình duyệt để hỗ trợ, có lẽ phần đa nhà thiết kế web sẽ lựa chọn Chrome, trình duyệt chiếm ưu thế hơn 50% thị phần. Bạn đã bao giờ tự hỏi “Vậy những khách hàng sử dụng Microsoft Internet Explorer, Firefox hay Safari thì sao?”. Nếu không muốn bỏ lỡ những “thượng đế” này, hãy kiểm tra website trên các trình duyệt khác, nhận diện sự khác biệt, và lưu ý khắc phục những lỗi về giao diện, màu sắc, đồ họa.
Sự tùy chỉnh trên nhiều trình duyệt sẽ mang lại hiệu quả không ngờ về traffic và doanh thu cho các doanh nghiệp.
2. Không Tối Ưu Hóa Website Cho SEO
Việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm cho trang web là yếu tố cấp thiết nhằm gia tăng doanh số và tỷ lệ chuyển đổi người truy cập website thành khách hàng. Nếu Google đánh giá từ khóa của bạn là không hiệu quả, và trang web không được hiển thị khi người dùng tìm kiếm sản phẩm, mọi nỗ lực khác sẽ trở nên vô ích. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là thủ thuật cần thiết cho doanh nghiệp để đánh bại đối thủ cạnh tranh và tăng doanh số bán hàng.
Muốn khắc phục sự cố này, bạn cần xây dựng cấu trúc trang web tốt, và nên ghi nhớ, nội dung độc đáo luôn là “chìa khóa tới thành công”. Đừng quên tận dụng các “vũ khí” của Google như Keyword Planner để tìm ra từ khóa hiệu quả nhất cho website của mình!
3. Ẩn Thông Tin Liên Hệ
Kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều rủi ro. Hàng loạt người dùng trở thành nạn nhân của các hacker qua giao dịch mua bán trên internet. Điều đó dẫn đến tâm lý thận trọng từ phía người tiêu dùng. Nếu không cung cấp thông tin liên hệ đầy đủ và minh bạch, bạn sẽ không thể dễ dàng có được niềm tin nơi khách hàng.
Để nâng cao vị thế thương hiệu, hãy ghi nhớ nguyên tắc: Luôn cung cấp đầy đủ, rõ ràng và hiển thị ở ngay trang chủ thông tin liên hệ chi tiết bao gồm địa chỉ, điện thoại, email và bản đồ nếu có thể.
4. Yêu Cầu Khách Hàng Đăng Ký Tài Khoản Trước Khi Đặt Hàng
Đây là một lỗi nhỏ, tuy nhiên nó đã vô hình chung đặt ra trở ngại lớn trên con đường làm giàu của các doanh nghiệp. Thực tế chứng minh rằng, rất nhiều người dùng internet đã rời bỏ trang web và không bao giờ quay trở lại, dù trước đó họ có ấn tượng khá tốt với sản phẩm. Điều đáng tiếc này xảy ra do website buộc khách hàng tạo tài khoản trước khi họ được phép tiếp cận với thông tin mặt hàng và quyết định mua.
Thay vì yêu cầu người mua đăng ký tài khoản trước khi đặt hàng, sao không dời bước này xuống mục cuối? Hãy để khách hàng lựa chọn lưu thông tin tài khoản cho các đơn đặt hàng tiếp theo để đơn giản hóa thủ tục thanh toán.
5.Quy Trình Thanh Toán Dài và Phức Tạp
Theo tâm lý thông thường, sau khi lựa chọn sản phẩm, khách muốn hoàn tất thủ tục thanh toán nhanh hết mức có thể. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại kéo dài thủ tục thanh toán vì lý do an ninh và nhiều lý do khác. Bằng cách đó, họ vô tình đánh mất các đơn hàng khổng lồ tưởng như sẽ đến tay trong vài tích tắc nữa. Nên nhớ, “Thời gian là vàng”, hãy làm hết sức có thể để đơn giản hóa quy trình bàn giao thông tin thẻ tín dụng và hoàn thành đơn đặt hàng. Lời khuyên dành cho bạn: Đảm bảo người mua chỉ phải nhập thông tin thanh toán qua một trang duy nhất và kiểm tra lại trên trang xác nhận trước khi nộp đơn đặt hàng.
6. Không Tối Ưu Hóa Website Trên Giao Diện Di Động
Thương mại điện tử trên di động đã có bước phát triển đột biến trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều người sử dụng di động để tìm kiếm thông tin và mua sắm trực tuyến. Theo thống kê của GlobalWebIndex, tính đến tháng 1 năm 2014, 60% người dùng Smartphone đã từng mua hàng trực tuyến qua di động. Số liệu thống kê này cho thấy, tối ưu hóa website trên giao diện di động nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm thú vị hơn cho khách hàng là cần thiết.
95% người dùng sử dụng Smartphone để tìm kiếm sản phảm và 60% trong số đó dùng di động để mua hàng và thanh toán.
7. Thiết Kế Giỏ Hàng Kém Thẩm Mỹ
Thẩm mỹ và kết cấu giỏ hàng là yếu tố sống còn quyết định sự thành bại của website thương mại điện tử. Một giỏ hàng chuẩn cần hỗ trợ người dùng trong việc lựa chọn nhiều mặt hàng, cân nhắc số lượng mua hoặc các thông số khác của sản phẩm. Quan trọng hơn cả, thông tin giỏ hàng cần đảm bảo tính minh bạch xuyên suốt.
Hãy tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng của bạn toàn quyền thêm, bớt, chỉnh sửa số lượng đặt mua và nắm rõ phí vận chuyển trước khi bắt đầu công đoạn thanh toán.
8. Thiếu Đầu Tư Cho Tiếp Thị Lại (Remarketing)
Người tiêu dùng trực tuyến thường không quyết định mua hàng trong lần thăm trang web đầu tiên. Theo AdRoll, “Trung bình 98% người dùng rời website mà không mua hàng”. Các khảo sát tương tự cũng cho thấy, tiếp thị lại chiếm từ 20% – 30 % tỷ lệ chuyển đổi, Vì vậy, tiếp thị lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kinh doanh trực tuyến. Chiến lược này giúp sản phẩm tiếp cận lại khách hàng nhiều lần, giới thiệu những tính năng ưu việt chưa được biết tới và tinh tế thuyết phục nhà tiêu dùng quay trở lại.
Nắm bắt được tầm quan trọng của Remarketing, hãy tự tạo cho mình cơ hội xích gần lại khách hàng, “tấn công” vào tâm lý và thuyết phục bằng nét “độc nhất vô nhị” trong sản phẩm. Và cũng đừng quên thông qua Remarketing tiếp thị sản phẩm mới tới khách hàng hiện tại của bạn.
Hy vọng rằng những phân tích và thủ thuậtchúng tôi đưa ra giúp ích cho bạn. Cùng chia sẻ, đóng góp ý kiến và kinh nghiệm bản thân trong blog này nhé!