Tiếp thị qua ĐTDĐ tại Việt Nam chưa có bước đột phá

33

 

 

Quảng cáo di động trong nước bắt đầu thu hút sự chú ý từ năm 2006 khi VNPT cho phép doanh nghiệp bên ngoài hợp tác cùng cung cấp dịch vụ tới các thuê bao. Tuy nhiên, đến nay, hình thức quảng bá này vẫn chỉ ở mức thô sơ.

 Mobile marketing (MKT) – quảng cáo trên điện thoại di động – đang phát triển nhanh chóng nhờ những tiến bộ công nghệ và trở thành xu thế mũi nhọn trong ngành truyền thông số Việt Nam.

Theo thống kê của VNPT tính đến đầu 2008, Việt Nam có hơn 30 triệu người dùng điện thoại di động, mở ra cơ hội lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng nhằm theo kịp xu hướng MKT trên thế giới. Quảng cáo di động hiện được biết đến nhiều nhất qua các chương trình gameshow tương tác, tải trò chơi, nhạc chuông… Ngoài ra, mobile marketing còn được ứng dụng trong hoạt động kinh doanh, chăm sóc khách hàng.

Tài chính, bảo hiểm, chứng khoán là những ngành tiên phong trong việc ứng dụng mobile marketing. Ngân hàng ACB, Techcombank, Eximbank, Vietcombank… từ lâu đã dùng tin nhắn để thông báo lãi suất tiền gửi, nhắc hạn trả nợ tiền vay, khuyến mại, dịch vụ tài chính mới. Cao hơn nữa là kiểm tra tài khoản và thanh toán tiền qua SMS (Mobile Banking) mà nhiều ngân hàng trong nước đang áp dụng. Tuy nhiên, những hình thức trên chỉ được triển khai dưới dạng thông báo và khách hàng tiếp nhận một cách thụ động.

Một số nhà cung cấp dịch vụ di động đang lên kế hoạch thử nghiệm những ứng dụng mobile marketing mới. Một trong số đó là giải pháp trực tuyến Keywordz của công ty truyền thông Gapit. Thông qua website, các doanh nghiệp, cá nhân có thể đặt mua mã lệnh và đầu số, lập trình kịch bản cho chiến dịch marketing, quản trị và cập nhật cơ sở dữ liệu khách hàng một cách đơn giản.

Hiện nay, MKT tại Việt Nam vẫn chưa thực sự lớn mạnh do nhiều khách hàng, thậm chí doanh nghiệp lầm tưởng rằng quảng cáo trên điện thoại di động có nghĩa là gửi tin nhắn tràn lan (spam). Bên cạnh đó, hạ tầng mạng trong nước chưa thực sự ổn định, dẫn đến hạn chế trong quá trình triển khai dịch vụ qua WAP và tin nhắn đa phương tiện. Ngoài ra, những bất cập từ phía các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như quy định về tin nhắn rác, giá cước sử dụng SMS để quảng cáo chưa rõ ràng cũng là tác nhân gây nên sự chậm trễ trong tiến trình triển khai dịch vụ MKT.

Một số hình thức thông dụng đang được triển khai là thông tin cơ bản (khách hàng gửi SMS để nhận thông báo về sản phẩm, khuyến mại), bình chọn, xem video trên điện thoại… Tùy từng hạ tầng công nghệ mà mỗi đơn vị cung cấp tập trung vào những ứng dụng khác nhau, song phổ biến nhất vẫn là quảng cáo dưới dạng gửi và nhận tin nhắn văn bản.

Xuất hiện tại Mỹ đầu năm 2004, mobile marketing không còn là khái niệm mới mẻ. Gần nửa thập kỷ qua, MKT là một công cụ hữu hiệu để các công ty dịch vụ, thực phẩm, thời trang… quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình.

Theo thống kê của hãng Yankee (Mỹ), thế giới hiện có 2,5 tỷ người dùng điện thoại di động, trong đó hơn 90% có nhu cầu nhắn tin hoặc tiếp nhận thông tin dưới dạng SMS chứ không đơn thuần chỉ nghe và gọi. Đây cũng là phương tiện gần gũi nhất, luôn “sát cánh” với chủ sở hữu 24/24 giờ, hơn cả máy tính và TV.

Nắm bắt nhu cầu đó, các nhà khai thác dịch vụ giá trị gia tăng đã cho ra đời dịch vụ quảng cáo di động. Kênh tiếp thị này đang được khai thác thành công tại châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á. Đồng thời nó cũng như thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn có uy tín như đồ ăn nhanh Wheat Crunchies, cafe Dunkin Donuts cùng những chiến dịch quảng cáo sản phẩm của Sony Ericson, Nokia, LG…

MKT được đánh giá cao nhờ thế mạnh mà các loại hình marketing khác không có được. Thống kê cho thấy 75% khách hàng nhớ thông tin họ nhận từ SMS quảng cáo. Ngoài ra, mô hình này có tính tương tác cao, đối thoại hai chiều, phân loại được nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính, nơi cư trú…