Trong một sự kiện kêu gọi nhà đầu tư dành cho các Startup, nhà đầu tư GreenWings đã kể lại rằng “Tôi đã thấy trang Facebook cá nhân của bạn và tôi đã lướt thông tin 2 năm trở lại đây của bạn. Wow thật bất ngờ, bạn là một người rất yêu công ty và yêu sản phẩm của mình tạo ra, thì không có lý do gì tôi không chọn đầu tư cho một người như thế.”
Startup được đầu tư đó là: Hoayeuthuong.com
Câu chuyện đó sẽ chẳng có liên quan đến post này nếu như hôm trước cô bạn đồng nghiệp không huých tay tôi và nói “em thấy hoayeuthuong nó bám đuổi kinh thật đấy, vào trang web của nó 1 lần mà ngày nào cũng gặp nó nhan nhản trên facebook, mà bên này chịu khó thay đổi thông điệp kinh khủng”. Ấy thế là tôi cũng làm theo, vào trang web của họ, click vào vài trang, rồi tôi cũng bị ngập lụt trong các post quảng cáo. Để cho xôm, tôi tương tác ác liệt trong các post, và (chắc vì thế) tôi lại được thấy hoayeuthuong nhiều hơn mức 1 người khách hàng tiềm năng bình thường nhận được.
Điều thú vị là tôi không cảm thấy khó chịu vì bị ‘spam’ mà lại thích thú là đằng khác. Tôi cũng không biết tâm thế hào hứng đón nhận này có được là vì (1) Tôi đang muốn tìm hiểu, học hỏi cách họ chạy ads, truyền thông điệp hay (2) Nội dung, hình ảnh của hoayeuthuong rất truyền cảm hứng và như kể lại một câu chuyện.
Có rất nhiều mô hình về chu trình Làm thế nào để biến một khách hàng tiềm năng thành một khách hàng trung thành, nhưng có lẽ mô hình Đồng hồ cát Phễu 7 pha dưới đây ám ảnh tôi nhất, chắc không khác với sự ám ảnh mà cánh đàn ông, và nhiều phụ nữ không thể rời mắt khỏi những siêu mẫu nóng bỏng.
Hãy thử đi qua 7 bước của đồng hồ cát này nhé.
➡️ Know (Biết)
➡️ Like (Thích)
➡️ Trust (Tin tưởng)
➡️ Try (Dùng thử)
➡️ Buy (Mua)
➡️ Repeat (Mua tiếp)
➡️ Refer (Giới thiệu)
Đoạn thắt nhất, “vòng eo” của đồng hồ cát ấy nằm ở khúc “Tạo dựng lòng tin”. Đúng vậy, thương hiệu của công ty bạn có thể nhờ quảng cáo mà nhiều người biết đến, một tỷ lệ nào đó trong số những người “biết” trở nên thích điều gì đó ở sản phẩm, thương hiệu của bạn. Nhưng sao tỷ lệ chuyển đổi sang khách hàng, đồng ý mua hàng lại thấp? Tại sao?
Đó là vì họ chưa đủ tin tưởng bạn, thương hiệu của bạn chưa tạo được đủ lòng tin để họ “nhấn” thêm một bước từ ‘thích’ sang ‘dùng thử’, từ ‘dùng thử’ sang ‘dùng thật’.
Vậy có những cách thức nào để Tạo dựng lòng tin và thúc đẩy nhanh những Khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng mua hàng và trở thành những người ủng hộ? Các tư liệu này, đâu đó có sẵn ở công ty, cũng có thể là bạn cần phải xây mới, tạo mới các nội dung content, và huy động lan tỏa bằng mọi cách có thể để truyền được các thông điệp đó đến cho khách hàng tiềm năng của mình. Họ ráp nối các thông tin đó lại với nhau làm sao như giống như được nghe bạn kể một câu chuyện thú vị về thương hiệu, về dịch vụ của bạn vậy. Quả nếu được như thế, ai mà chẳng muốn xài dịch vụ của bạn chứ?
Hoayeuthuong đã áp dụng rất xuất sắc lý thuyết này.
Điều mà ai cũng biết: nên chạy quảng cáo bám đuổi theo kịch bản đúng đối tượng, thay đổi các nội dung post đa dạng để tiếp cận và thuyết phục khách hàng tiềm năng, rồi mới chốt sales.
Điều mà không phải ai cũng biết: những dạng nội dung đó nên như thế nào? Tần suất ra sao và CẦN KIỂM SOÁT được số post mà tệp đối tượng đó được tiếp cận.
Chia sẻ “phát hiện” này với một bạn là Senior Copywriter, người đang tự chạy quảng cáo facebook cho chính trung tâm đào tạo của mình với mức ngân sách 40 củ/tháng, bạn ấy nói rằng: “em cũng chạy theo kịch bản 3 post, post cuối là để chốt sales, nhưng đúng như chị nói, em không theo dõi hay kiểm soát mỗi đối tượng của mình tiếp cận bao nhiêu post trong số post mình chạy quảng cáo.”
Tôi không phải là chuyên gia chạy quảng cáo nên phần kỹ thuật làm thế nào để đảm bảo tệp khách hàng mục tiêu của bạn được nhận đủ 10 post (ví dụ thế) theo kịch bản bám đuổi. Còn khi bạn đã chắc chắn về điều đó rồi, thì yên tâm là những khách hàng tiềm năng đó đã được ‘bơm’ đủ những thông điệp cần thiết và được gieo vào não đủ những hình ảnh, câu chuyện về bạn.
Câu hỏi là: với cùng một ngân sách (thường là không được xông xênh lắm), bạn chọn cách nào sau đây?
- Đi theo chiều sâu: đảm bảo 1 đối tượng được tiếp cận đầy đủ toàn bộ câu chuyện về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của bạn. (Một đối tượng có thể xem tới 20 post khác nhau của bạn, chi phí tương đối cao, vì vậy tệp quảng cáo đó hẳn là hẹp, nằm trong các đối tượng có sự tương tác).
- Đi theo chiều rộng: chắt lọc vài ba post để chốt sales cho 1 tệp rất rộng. (Vì không thể vừa tiếp cận với một lượng rất lớn đối tượng mục tiêu mà lại chạy cả vài chục post quảng cáo phủ rộng hết các đối tượng đó, sẽ ngốn một mớ tiền khổng lồ).
Bạn đã mất rất nhiều công sức để thu hút 1 khách hàng tìm đến bạn, vào trang web của bạn, lang thang ở trang web, hoặc tương tác trên fanpage…và chấp nhận để họ đi mà không hẹn ngày trở lại. Có thể có rất nhiều lý do khiến họ chưa chốt đơn hàng, vì chưa đúng thời điểm họ cần? Hay vì họ chưa đủ tin tưởng vào sản phẩm, dịch vụ của bạn? Vân vân và mây mây.
Vậy remarketing là cách hữu hiệu nhất để bạn lấp đầy những khoảng trống đó trong tâm trí của các khách hàng tiềm năng này. Bởi nếu thương hiệu của bạn không đủ ghim thành 1 ấn tượng đủ sâu thì nó sẽ trôi đi một cách nhạt nhòa như bao thương hiệu, thông điệp khác đang nhan nhản trên thị trường.
Tương tự như vậy, tôi không thể quên được hoayeuthuong.com là bởi vì:
Hôm qua tôi vừa thấy post của họ quảng cáo về “họ là thương hiệu điện hoa đầu tiên của Việt Nam ra quốc tế. Ban đầu là thủ đô PhomnPenh của Cam-pu-chia” thì hôm sau, tôi lại thấy họ “kể chuyện tiếp” rằng “Òa, mỗi ngày đều có chuyên xe của hoayeuthuong từ Việt Nam sang Campuchia và được nhiều khách hàng thích thú, trong khi các shop hoa khác ở đây toàn là hoa nhập từ Châu Âu và Trung Quốc”. Câu chuyện của các bạn ấy thật sống động phải không nào? Là một người Việt Nam, tôi cũng thấy có chút tự hào lây khi có startup Việt xuất khẩu hoa sang nước bạn.
Và còn rất nhiều các mẩu chuyện khác như:
Họ lồng ghép khéo léo clip Florist của hoayeuthuong hướng dẫn cắm hoa trên VTV1
Hành trình xây dựng thương hiệu Hoayeuthuong.com được hãng truyền TFS ghi nhận lại.
VTV đã dành sóng cho Hoayeuthuong.com tận 30 phút để hiểu về hành trình khởi nghiệp sáng tạo.
Họ dùng chính những post quảng cáo để “giải đáp” các vấn đề từng gặp phải, qua đó khách hàng tiềm năng thấy được sự lắng nghe của thương hiệu và càng tin tưởng hơn.
Tại sao hoayeuthuong không dùng kho lạnh để bảo quản hoa?
Họ đầu tư 200 triệu vào App nhằm giúp khách hàng luôn được cập nhật về đường đi của Hoa.
Shop hoa phục vụ 24/24 đầu tiên tại Việt Nam
…
Và còn nhiều mẩu chuyện khác mà bạn có thể tham khảo tại đây http://bit.ly/hoa_yeu_thuong
Nội dung caption dài ngắn không quan trọng, đặt cảm xúc vào từng post và kể câu chuyện một cách thật tự nhiên mới là quan trọng.
Còn câu chuyện của bạn như thế nào? Hãy kể cho mọi người cùng nghe nhé.
Giang Doan
PR & Community Manager, Sapo.vn
5 (100%) 1 vote
Quản lý kho dễ dàng với Sapo POS
Không biết hàng hóa còn bao nhiêu trong cửa hàng? Để tình trạng này tiếp diễn hoặc sử dụng Sapo POS, quản lý hàng tồn kho chi tiết, tự động hoàn toàn
Dùng thử miễn phí ngay
Nguồn: Tạo dựng lòng tin bằng cách kể câu chuyện hấp dẫn về thương hiệu của bạn