Quảng cáo PPA – PPC là gì?

172
Quang_cao_PPA_PPC_la_gi

 

 

Để giúp các doanh nghiệp đánh giá chính xác hiệu quả của việc quảng cáo, các công ty quảng cáo trên internet đã đưa ra một giải pháp mới: quảng cáo theo kiểu “Pay Per Action“ (PPA), và DN chỉ phải trả tiền quảng cáo khi nhận được phản hồi từ khách hàng.

Quảng cáo theo kiểu “pay per-click“ – khách hàng nhấp chuột vào các kết nối quảng cáo dẫn đến trang web của DN – từng tỏ ra là một giải pháp tốt giúp đánh giá tương đối chính xác hiệu quả của quảng cáo. Với cách quảng cáo này, DN có thể nhắm đến đúng đối tượng khách hàng và tiết kiệm chi phí quảng cáo.

Thế nhưng quảng cáo theo kiểu PPC vẫn còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 20-50% số khách hàng click vào đường dẫn đến trang web của doanh nghiệp nhưng lại chẳng có ý định mua hàng.

Trong khi đó, số tiền phải trả cho những từ khoá phổ biến (keyword) đang ngày càng tăng lên. Chẳng hạn, để quảng cáo trên Google, doanh nghiệp phải trả trung bình 1,95 USD cho mỗi lần khách hàng “click“ vào các kết nới dẫn đến trang web của mình.

Hiện nay, một số công ty trong lĩnh vực công nghệ đã tìm ra một giải pháp tốt hơn: thay vì phải trả tiền quảng cáo cho mỗi khi khách hàng click chuột, DN chỉ trả tiền khi khách hàng thực hiện một hành động nào đó, chẳng hạn liên lạc với doanh nghiệp qua điện thoại để tìm hiểu thông tin về sản phẩm hoặc đăng ký trở thành thành viên để nhận các bản tin hay mua hàng thật sự.

Bill Grooss- người đã góp phần khai sinh ra trang web Goto.com chuyên quảng cáo theo kiểu tìm kiếm có trả tiền trước (paid search) mà sau này đã được bán lại cho Yahoo – đánh giá rằng: “PPC chỉ là bước khởi đầu. Cuộc cách mạng thực sự chính là giải pháp “pay per action“ (PPA), tức là DN chỉ phải trả chi phí quảng cáo khi khách hàng đi đến hành động“. Gross vừa mới thành lập hai trang web quảng cáo theo kiểu PPA. Đó là Snap và Insider Pages.

Dịch vụ quảng cáo PPA đang tỏ ra rất hấp dẫn các doanh nghiệp và điều đó có thể dễ dàng hiểu được. Khi khách hàng gọi một cuộc điện thoại để hỏi thông tin về sản phẩm thì khả năng dẫn đến một giao dịch bán hàng cao hơn việc “click“ chuột vào các đường dẫn quảng cáo một cách vô thưởng vô phạt.

Theo Jupiter Research – một công ty nghiên cứu thị trường ở San Francisco thì có 30% số cuộc điện thoại hỏi thông tin về sản phẩm thường dẫn đến việc mua hàng so với tỷ lệ 3% của những lần click chuột. Một nghiên cứu do cty Kelsey – bang New Jersey, Mỹ – cũng cho thấy 42% DN muốn quảng cáo trên Internet thích giải pháp “pay per call“ (trả tiền cho mỗi lần khách hàng gọi điện) hơn là “pay per click“.

Thật ra, quảng cáo theo kiểu “pay per call“ đã được Công ty Ingenio ở San Francisco lập ra vào năm 1999. Hình thức này cũng tương tự như việc bỏ tiền ra để đấu giá cho những từ khoá phổ biến trên Google (DN nào trả tiền nhiều nhất thì tên của DN đó sẽ xuất hiện đầu tiên trong kết quả tìm kiếm theo từ khoá đã mua). Điểm khác biệt là khi tên DN hiện ra trong kết quả tìm kiếm, họ chỉ phải trả tiền quảng cáo khi một khách hàng tương lai gọi điện tới để tìm hiểu thông tin.

Ingenio cung cấp cho công ty một đường dây điện thoại miễn phí để khách hàng có thể gọi đến. Bằng cách này, Ingenio có thể theo dõi tự động các đối tượng khách hàng có sử dụng quảng cáo và các cuộc gọi khác nhau.

Với Jambo, khách hàng gọi điện thoại đến DN thông qua đường dây của Jambo và DN có quyền lựa chọn có nên nhận cuộc gọi đó hay không. Nếu chấp nhận cuộc gọi đó, doanh nghiệp mới phải trả tiền quảng cáo.

Dự kiến, các “đại gia“ Google, Yahoo! Và MSN cũng sẽ cho ra những phiên bản quảng cáo PPA của riêng mình vào cuối năm nay.