Mở cửa hàng tiện lợi cần bao nhiêu vốn? Kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi như thế nào hiệu quả? Bài viết sau đây sẽ chia sẻ các bước lên kế hoạch mở cửa hàng tiện lợi, cách phân bổ chi phí mở cửa hàng tiện lợi và bắt đầu vận hành 1 siêu thị mini của mình nhé!
Kể từ khi các “ông lớn” bán lẻ đổ bộ ồ ạt vào thị trường Việt Nam, các cửa hàng bán lẻ truyền thống bị “thất sủng”, lép vế bởi thua thiệt cả về quy mô và số lượng sản phẩm. Trước thực trạng này, nhiều cửa hàng đã biết tự tìm lối đi bằng cách nâng cấp mô hình hiện tại lên thành các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi. Hay có nhiều người đã nhận thấy sự hấp dẫn của loại hình kinh doanh này và bắt đầu muốn mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini để kinh doanh. Phân khúc thị trường ngách này thực sự đã mang lại hiệu quả kinh doanh rõ rệt cho nhiều đơn vị. Tuy nhiên, không phải ai mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini đều kinh doanh thành công. Vậy nên, trong bài viết này Blog Sapo xin chia sẻ đến bạn những kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi, chi phí cần thiết để mở cửa hàng tiện lợi là bao nhiêu cũng như cách quản lý siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sao cho hiệu quả nhất nhé!
kểưừừ
Mở cửa hàng tiện lợi cần bao nhiêu vốn?
Các nội dung chính
- 1. Lập kế hoạch kinh doanh
- 1.1 Nghiên cứu thị trường
- 1.2 Nghiên cứu khách hàng
- 1.3 Xác định mô hình kinh doanh
- 1.4 Lên kế hoạch sẽ bán gì trong siêu thị của bạn
- 1.5 Xác định chi phí mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini
- 2. Quy trình mở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi
- 2.1 Lựa chọn địa điểm mở cửa hàng
- 2.2 Trang trí và thiết kế cửa hàng
- 2.3 Xác định nguồn nhập hàng hóa, các nhà cung cấp
- 2.4 Trưng bày hàng hóa trong cửa hàng
- 2.5 Thuê nhân viên
- 2.5 Mua sắm các trang thiết bị
- 3. Triển khai các hoạt động marketing để thu hút khách hàng
- 3.1 Chính sách tích điểm khi mua hàng cho khách hàng
- 3.2 Giảm giá giờ vàng
1. Lập kế hoạch kinh doanh
1.1 Nghiên cứu thị trường
Trước khi bắt đầu bất cứ công việc kinh doanh gì thì đều cần phải nghiên cứu thị trường, mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini cũng không ngoại lệ. Khi có kế hoạch mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, bạn hãy tìm hiểu xem những cửa hàng tương tự ở ngoài kia họ đang buôn bán như thế nào, chất lượng sản phẩm ra sao, nguồn gốc có đảm bảo không để từ đó đánh giá và rút ra những kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cho mình.
Bước đầu tiên khi nghiên cứu thị trường, bạn cần xác định xem xu hướng tiêu dùng hiện nay của người Việt như thế nào? Họ mua sắm ở các chợ truyền thống nhiều hơn hay ở các siêu thị và cửa hàng tiện lợi nhiều hơn?
Thứ hai, cần xác định xem các mặt hàng gì thường được bày bán ở trong các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi hiện nay. Bạn nên đi dạo một vòng các siêu thị có tiếng hiện nay như Vinmart, Circle K, Family mart hay 7 – eleven để biết các mặt hàng phổ biến được bán hiện nay là gì.
Thứ ba, bạn cần nghiên cứu xem các đối thủ cạnh tranh của mình hiện nay là ai, họ có những điểm mạnh điểm yếu gì để từ đó có những tính toán phù hợp cho cửa hàng của mình. Một điều tiên quyết nếu muốn kinh doanh thành công là bạn phải tạo được sự khác biệt hoặc các ưu điểm vượt trội hơn so với đối thủ. Hiện nay, các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi mọc lên vô số, chính vì vậy, việc cân nhắc các yếu tố như khoảng cách địa lý, giá bán, sự đa dạng của các mặt hàng,… sao cho phù hợp nhất để có thể cạnh tranh với những chuỗi siêu thị có tiếng, cũng như đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chỉ khi nghiên cứu kỹ thị trường thì bạn mới biết rõ mình cần làm gì, giống như người ta thường nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
1.2 Nghiên cứu khách hàng
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, bước tiếp theo bạn cần xác định xem đối tượng khách hàng chủ yếu của bạn là ai. Chỉ khi biết được khách hàng của mình và xác định được hành vi tiêu dùng của họ thì bạn mới có thể mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và kinh doanh nó thành công được.
Vì đây là siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi nên trước hết khách hàng chắc chắn phải là những người sinh sống và làm việc ở các thành phố đông đúc, họ cần mua sắm những sản phẩm tiện lợi để giúp cuộc sống của mình dễ dàng hơn.
Ví dụ: Siêu thị mini Vinmart của tập đoàn VinGroup hướng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là những bà nội trợ mua đồ dùng và thực phẩm cho gia đình. Còn cửa hàng tiện lợi Circle K lại hướng đến đối tượng khách hàng là những bạn trẻ thanh niên.
Sau khi xác định xem đối tượng khách hàng chủ yếu bạn hướng đến là ai, thì bạn cần xem nhu cầu của họ là gì, thu nhập một tháng là bao nhiêu và họ có thể chi trả bao nhiêu một tháng cho nhu cầu mua sắm tại cửa hàng tiện lợi để có thể quyết định xem mô hình kinh doanh cửa hàng của bạn là gì và bạn sẽ bán những gì trong cửa hàng để đáp ứng nhu cầu của họ.
1.3 Xác định mô hình kinh doanh
Hiện nay có 3 mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi phổ biến:
- Siêu thị mini phổ thông (chủ yếu bán các mặt hàng phổ thông): đây là mô hình phổ biến nhất với những hàng hóa phổ thông rất dễ bán, phục vụ được đa dạng các đối tượng khách hàng từ thu nhập thấp đến thu nhập cao.
- Siêu thị mini loại 1 (60% hàng phổ thông, 40% hàng nhập khẩu): loại mô hình này vẫn chủ yếu là bán các mặt hàng phổ thông để phục vụ nhu cầu cơ bản của khách hàng, tuy nhiên sẽ bán thêm các mặt hàng nhập khẩu để thu hút các đối tượng khách trung hoặc cao cấp. Mô hình siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi kiểu này có xu hướng mở rộng nhiều ở các thành phố do nhu cầu cũng như thu nhập của dân thành thị ngày càng tăng.
- Siêu thị mini loại 2 (40% hàng phổ thông, 60% hàng nhập khẩu): mô hình này sẽ bán ít đi những mặt hàng phổ thông mà thay vào đó sẽ tăng cường các mặt hàng nhập khẩu cao cấp. Ưu điểm của mô hình này cạnh tranh thấp, lợi nhuận thu về sẽ cao hơn do các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc,.. có giá bán khá cao. Mô hình này chủ yếu phục vụ các khách hàng có thu nhập khá đến cao và thường được mở tại các khu dân cư, chung cư cao cấp.
1.4 Lên kế hoạch sẽ bán gì trong siêu thị của bạn
Các mặt hàng mà các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi thường bán hiện nay bao gồm các loại như: Thực phẩm, đồ ăn tươi, đồ ăn khô, đồ uống đóng chai, sữa, nước ngọt, đồ gia dụng,… Và tùy vào tập khách hàng mục tiêu bạn chọn để có thể phân bố tỉ trọng mỗi loại sản phẩm trong siêu thị khác nhau. Ví dụ như đối tượng là dân công sở thì bạn nên đa dạng các sản phẩm đồ ăn liền, đồ ăn nhanh để họ có nhiều lựa chọn hơn vì dân văn phòng thường là những người không có nhiều thời gian và đồ ăn nhanh là sự lựa chọn hàng đầu của họ. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc bán các đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh khá cao, nên lựa chọn bán các sản phẩm này rất hợp lý. Hoặc nếu bạn xác định đối tượng khách hàng của mình khi mở cửa hàng tiện lợi là các bà nội trợ thì việc nhập nhiều các thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau xanh là rất cần thiết. Khi xác định các sản phẩm mà mình sẽ kinh doanh, bạn nên khoanh vùng danh mục các sản phẩm trước rồi mới liệt kê từng sản phẩm chi tiết trong danh mục, như thế sẽ dễ dàng kiểm soát hơn và bạn sẽ không sợ bị thiếu sót.
Ngoài các mặt hàng hữu hình bán trong cửa hàng, nếu muốn giữ chân khách hàng và gia tăng sự hài lòng của khách, bạn nên có những dịch vụ đi kèm với hoạt động buôn bán như:
Thời gian bán hàng:
Thời gian bán hàng của một cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini rất quan trọng. Tùy vào địa điểm cửa hàng, đối tượng khách hàng mà mỗi siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi sẽ có những khung giờ bán hàng khác nhau.
Theo kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi của những người đi trước, nếu cửa hàng của bạn nằm tại một khu chung cư hoặc khu vực dân cư có thu nhập trung bình khá, thông thường mọi người sẽ đi làm từ 8h sáng đến khoảng 6 – 7h tối mới về và họ ngại việc đi chợ mua đồ ăn về nấu cơm, bởi vì nấu giờ đấy thì mấy giờ mới có cơm ăn. Vậy nên, cửa hàng tiện lợi của bạn phải có thời gian bán hàng đến tầm 10h tối để phục vụ nhu cầu của họ. Buổi sáng bạn không nhất thiết phải mở cửa hàng quá sớm, nhưng cũng nên xem nhu cầu mua sắm buổi sớm của cư dân ở đó có lớn không rồi cân nhắc, nếu có tiềm năng thì mở sớm một chút cũng được.
Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay có xu hướng sống về đêm nhiều, có những người 11-12h đêm mới làm xong việc và trở về nhà, có những cuộc vui kéo dài đến tận 2-3h sáng. Vậy những lúc đó họ có nhu cầu mua sắm một số đồ dùng hay muốn tìm cho mình một món gì ăn nhanh thì sao? Nhiều cửa hàng tiện lợi hiện nay mở cửa 24/24h để có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng bất cứ khi nào. Đây cũng là một yếu tố giúp giữ chân khách hàng của bạn mà bạn nên cân nhắc. Và hãy lựa chọn xem thời gian mở cửa hàng tiện lợi như thế nào là hợp lý nhất nhé!
- Khu vực chỗ ngồi:
Nhịp sống hối hả nên đôi khi dân văn phòng hay các bạn sinh viên chỉ gần một ly mỳ gói là có thể lót dạ cho bữa trưa. Việc mua mỳ thì dễ dàng nhưng làm sao để nấu một tô mỳ khi không có sẵn nước sôi? Nhiều cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini hiện nay được trang bị vô cùng đầy đủ, từ bình nước nóng đến máy lạnh, wifi. Khách hàng chỉ cần dùng ngay nước nóng tại cửa hàng là có thể pha ngay một ly mỳ, sau đó có luôn chỗ ngồi để dùng đồ ăn. Việc sắp xếp khu vực bàn ghế để khách có thể nghỉ chân hay dùng đồ ăn là một điều vô cùng tuyệt vời dành cho những vị khách không có nhiều thời gian nhưng muốn sự nhanh chóng.
Mở cửa hàng tiện lợi cần bao nhiêu vốn?
1.5 Xác định chi phí mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini
Khi có kế hoạch mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini, câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất là mở cửa hàng tiện lợi cần bao nhiêu vốn? Sau đây là một danh sách các chi phí mở cửa hàng tiện lợi cần thiết mà bạn nên tham khảo để có thể chuẩn bị số vốn tốt nhất để bắt đầu công việc kinh doanh của bạn.
Chi phí thuê mặt bằng: 20 triệu/tháng
Nếu bạn đã có sẵn địa điểm để mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini thì đây quả là một ưu thế giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi phí để đầu tư vào những việc khác được tốt hơn.
Còn nếu chưa có địa điểm thì việc thuê mặt bằng là việc đương nhiên bạn phải làm. Một siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi thì không cần diện tích quá to, nhưng cũng không được quá nhỏ. Ngoài không gian trưng bày sản phẩm thì bạn cần không gian cho quầy thu ngân, và một khoảng vừa phải làm kho chứa hàng. Tùy vào diện tích cửa hàng và vị trí của nó mà sẽ có những mức giá khác nhau, nhưng sẽ dao động trong khoảng từ 15 – 20 triệu / tháng. Nếu bạn muốn mở cửa hàng tiện lợi ở những vị trí đẹp, hút khách như dưới các tòa chung cư, hay các trục đường đông người qua lại,… thì giá có thể “chát” hơn một chút.
- Chi phí thiết kế và trang trí cửa hàng: 30 triệu
Tùy vào quy mô cửa hàng cũng như hiện trạng cơ sở vật chất của mặt bằng bạn thuê mà sẽ có những mức chi phí khác nhau cho việc thiết kế và trang trí cửa hàng. Nếu mặt bằng bạn chọn đã sẵn những điều kiện cần thiết có thể tận dụng được như: mặt sàn vẫn còn mới, sơn tường vẫn còn sáng và sạch đẹp thì bạn không cần chi quá nhiều cho việc thiết kế. Còn nếu không, thì bạn phải dành ra khoảng 30 triệu trở lên đối với các công việc như lát sàn, sơn tường, làm biển hiệu cửa hàng,….
Chi phí nhập hàng: 150 triệu
Doanh thu và lợi nhuận của cửa hàng cao hay thấp sẽ phụ thuộc rất lớn vào chi phí nhập hàng. Bởi vì, bán hàng trong siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi thường mỗi sản phẩm bán ra sẽ không lãi quá nhiều như bán quần áo hay các sản phẩm khác, mà doanh thu do số lượng hàng hóa bán ra, tích tiểu thành đại mà nên. Chính vì vậy, bạn phải lựa chọn nơi nhập hàng, các nhà cung cấp làm sao để có được giá nhập tốt nhất. Theo kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi của các chủ cửa hàng, bạn nên nhập hàng từ các nhà cung cấp là các công ty lớn bởi vì nguồn hàng ở đây vừa đảm bảo chất lượng, và thường có các chương trình ưu đãi hay khuyến mại đối với những người lấy số lượng nhiều.
Chi phí thuê nhân viên: 35 triệu/tháng
Thuê nhân viên là cần thiết vì bạn không thể có “ba đầu sáu tay” để giải quyết tất cả công việc của cửa hàng. Tùy theo quy mô cửa hàng mà bạn sẽ cân nhắc là nên thuê bao nhiêu nhân viên? Mức lương là bao nhiêu cho một người? Các vị trí bạn cần tuyển cho một siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi thường bao gồm: Nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên kho, nhân viên bảo vệ,… Để tiết kiệm chi phí, với vị trí nhân viên bán hàng bạn có thể tuyển dụng sinh viên làm theo ca. Tuy nhiên, dù làm parttime hay fulltime thì bạn đều phải yêu cầu họ tuân thủ thời gian công việc, tránh tình trạng nghỉ làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.
Chi phí mua sắm trang thiết bị: 60 triệu
Trang thiết bị là những công cụ cần thiết giúp cho công việc kinh doanh của bạn được thuận lợi và hiệu quả hơn. Đối với một siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi, những trang thiết bị bạn nên mua bao gồm: giá đỡ, kệ hàng, tủ đông lạnh, tủ mát chứa thực phẩm, máy tính, máy quét mã vạch, máy in hóa đơn, camera, cổng từ,… Những chi phí này hiện nay không quá đắt đỏ, rơi vào tầm 60 triệu cho tất cả các thiết bị mà cửa hàng bạn cần có.
2. Quy trình mở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi
2.1 Lựa chọn địa điểm mở cửa hàng
Kinh doanh siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi thực chất là kinh doanh địa điểm. Chính vì vậy, việc lựa chọn mở cửa hàng tiện lợi ở đâu, mặt bằng cửa hàng như thế nào là một việc hết sức quan trọng. Tất nhiên không nên chọn những khu vực quá vắng vẻ, dân cư thưa thớt để mở siêu thị mini bởi vì ở đây sức mua của người dân sẽ thấp, khó có nhiều lượt khách đến cửa hàng, do đó sẽ làm giảm doanh thu của cửa hàng và siêu thị mini của bạn, dẫn đến việc không thu được lợi nhuận hay lợi nhuận rất ít.
Mở cửa hàng tiện lợi cần bao nhiêu vốn?
Để chọn được địa điểm mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, đầu tiên bạn cần chọn những nơi đông dân cư như dưới các tòa chung cư, các khu biệt thự liền kề, gần các công ty, trường học,… vì ở đây là nơi nhiều người sinh sống và làm việc, có nhu cầu mua sắm rất cao. Ngoài ra, khi chọn địa điểm cửa hàng, bạn cũng nên chọn những nơi giao thông đi lại thuận tiện, địa điểm cửa hàng dễ nhìn, dễ tìm. Ngoài ra, không nên chọn những địa điểm đã có mật độ dày đặc các siêu thị mini để giảm thiểu mức độ cạnh tranh. Nếu như có thể thì địa điểm mở siêu thị và chỗ bạn ở nên một chỗ hoặc phải gần nhau, như vậy bạn sẽ tận dụng được công việc gia đình khác cũng như yên tâm hơn trong việc quản lý hàng hóa, thoải mái bày hàng, tận dụng làm việc gia đình.
Một lưu ý nho nhỏ cho bạn khi thuê mặt bằng mà những người có kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi truyền đạt lại, đó là về khoản hợp đồng: luôn phải rõ ràng và chặt chẽ. Vì mở siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi đều là những công việc kinh doanh mang tính chất cố định, do đó bạn nên làm hợp đồng thuê mặt bằng từ 5 năm trở lên. Tránh trường hợp chủ nhà thấy cửa hàng của bạn làm ăn phát đạt, sẵn sàng bồi thường để đuổi khéo bạn đi nhằm thừa kế công việc kinh doanh đang “hồng phát” của bạn.
2.2 Trang trí và thiết kế cửa hàng
Mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini thì việc thiết kế cửa hàng sao cho đẹp mắt, ấn tượng cũng là một điều hết sức quan trọng. Khách hàng tất nhiên sẽ muốn vào một cửa hàng vừa có sản phẩm tốt, vừa có không gian đẹp để mua hàng. Chính vì vậy, chi phí dành cho việc thiết kế cửa hàng là cần thiết nên chi.
- Sàn nhà: bạn cần thiết kế để tạo cảm giác thoáng mát, sạch sẽ là được. Sàn nhà thì nên lát gạch màu trắng hoặc các màu pastel nhẹ nhàng để tạo cảm giác sạch sẽ, có lợi khi bán các đồ ăn và đồ thực phẩm.
- Biển hiệu cửa hàng: Biển hiệu thông thường chỉ cần làm hình chữ nhật để treo trên cửa hàng. Biển hiệu là bộ mặt của cửa hàng, chính vì vậy bạn nên thiết kế sao cho thật thu hút, tuy nhiên không nên sử dụng quá nhiều màu sắc, mà chỉ cần sử dụng các màu đơn giản nhưng phải làm nổi bật lên tên cửa hàng là được. Đèn LED cho biển hiệu là một điều cần thiết giúp khách hàng nhìn thấy cửa hàng của bạn vào buổi tối.
- Mặt tường bên trong cửa hàng: Thông thường, mặt tường bên trong siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi sẽ được sơn màu trắng thuần hoặc ốp gạch men màu trắng. Bạn cũng có thể sơn logo cửa hàng lên tường hoặc ghi các câu slogan thật ấn tượng để thu hút khách hàng.
2.3 Xác định nguồn nhập hàng hóa, các nhà cung cấp
Vì siêu thị mini và cửa hàng tạp hóa sẽ bán rất nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, nên bạn sẽ phải nhập hàng từ nhiều nhà cung cấp. Nhưng dù nhập hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào thì bạn cũng nên đảm bảo 3 tiêu chí: Nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý.
Bạn không nên nhập hàng của nhân viên tiếp thị nếu như không biết trụ sở của nhà cung cấp đó ở đâu, vì hiện nay đặc biệt là hàng thực phẩm và mỹ phẩm có rất nhiều hàng giả, đừng ham rẻ mà nhập hàng bạn sẽ mất khách ngay bởi người tiêu dùng giờ rất thông thái.
Đối với các sản phẩm hóa – mỹ phẩm, các địa chỉ quen thuộc để bạn có thể lấy nguồn hàng cho siêu thị mini đó là tìm hiểu website chính hãng của nhà sản xuất và liên hệ với họ để trở thành đại lý bán lẻ cấp 1 hoặc cấp 2.
Bạn cũng có thể lên danh sách các mặt hàng sẽ bày bán trong siêu thị của mình, rồi qua BigC, Metro gần nơi bạn kinh doanh để lấy số điện thoại nhà cung cấp của chính các mặt hàng này rồi liên lạc với họ để nhập hàng.
Ngoài ra, có rất nhiều nguồn nhập hàng hóa khác nhau, bạn có thể tham khảo bài viết: Mách bạn những nguồn hàng giá tận gốc cho siêu thị mini để lựa chọn cho mình nhà cung cấp phù hợp.
2.4 Trưng bày hàng hóa trong cửa hàng
- Phân loại từng khu vực hàng hóa:
Nên phân chia hàng hóa theo từng khu vực riêng biệt và sắp xếp các nhóm sản phẩm giống nhau và có liên quan ở cạnh nhau. Điều này giúp khách hàng có thể biết vị trí và tìm thấy những sản phẩm mình cần mua một cách dễ dàng. Ví dụ, bạn nên sắp xếp các sản phẩm sữa tắm và dầu gội ở cạnh nhau, và các sản phẩm dầu gội của các hãng khác nhau thì xếp cùng một chỗ.
- Bố trí kệ hàng khoa học:
Trong các siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi, việc bày bán hàng hóa trên kệ sẽ phụ thuộc vào thương hiệu cũng như giá trị lợi nhuận mà mặt hàng đó đem lại. Những sản phẩm ít nổi tiếng và có giá trị lợi nhuận thấp thường được đặt ở những vị trí không mấy “bắt mắt” như tầng trên cùng hay tầng dưới cùng.
Mở cửa hàng tiện lợi cần bao nhiêu vốn?
Tầng thứ hai và thứ ba được coi là “vị trí đắc địa” của một kệ hàng, bởi vì vị trí này sẽ ngang tầm mắt của khách hàng, sản phẩm được bày bán ở đây sẽ được khách hàng chú ý nhiều hơn. Tầng hai và tầng ba thường được ưu tiên dành cho các thương hiệu phổ biến nhất và cũng chịu chi nhất.
Nếu doanh số bán chậm thì hãy thử thay đổi vị trí nhóm hàng hóa. Thay đổi khi nào cảm thấy doanh số tăng hoặc ổn định là được, hoặc trưng bày theo mùa (tết thì bày bánh kẹo ra ngoài, 8/3 nên bày mỹ phẩm ra ngoài…). Ánh sáng trong cửa hàng phải đảm bảo, hãy làm cho cửa hàng thật chật chội nhưng phải ngăn nắp. Cảm thấy bắt mắt và hàng hóa đa dạng thì khách hàng mới vào.
2.5 Thuê nhân viên
Với diện tích một siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi thường tầm 60m2 thì bạn cần khoảng 6 nhân viên. Nhân viên đầu tiên phải là những người trung thực, nếu không chắc chắn cửa hàng của bạn sẽ thua lỗ. Thứ hai, nhân viên của bạn phải chăm chỉ, tận tình, và phải luôn tươi cười với khách. Vì nhân viên chính là bộ mặt của cửa hàng nên việc tuyển dụng những nhân viên xuất sắc là điều vô cùng quan trọng.
- 1 quản lý cửa hàng: Vị trí này cần người đã có kinh nghiệm quản lý, họ có thể quán xuyến mọi công việc cũng như điều phối các nhân viên của cửa hàng để cửa hàng kinh doanh hiệu quả nhất.
- 2 – 3 nhân viên bán hàng: Nhân viên bán hàng sẽ phụ trách sắp xếp từng loại hàng hóa đúng vào từng vị trí trên kệ, tư vấn sản phẩm cho khách hàng, vào kho lấy hàng bày lên kệ mỗi khi sản phẩm hết,…
- 1 nhân viên thu ngân: Thu ngân sẽ phụ trách việc quét mã hàng hóa, in hóa đơn, thu tiền và đóng gói hàng cho khách hàng. Nhân viên thu ngân đòi hỏi những người nhanh nhẹn, có đầu óc tính toán.
- 2 nhân viên kho: Họ đảm nhiệm những công việc như nhập hàng, quản lý kho hàng, vận chuyển.
2.5 Mua sắm các trang thiết bị
- Máy tính và máy bán hàng: Máy tính và máy bán hàng sẽ giúp hỗ trợ công việc kinh doanh của cửa hàng bạn trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
- Phần mềm quản lý bán hàng: Phần mềm có thể giúp bạn quản lý kho, quản lý sản phẩm, lưu trữ thông tin và lịch sử giao dịch khách hàng, gửi báo cáo theo tuần/tháng/qúy,… Chức năng phân quyền nhân viên sẽ giúp hạn chế tối đa cơ hội gian lận của cả nhân viên và khách hàng.
- Giá đỡ, kệ hàng: Thông thường bạn cần khoảng 20 giá đỡ để trưng bày trong siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi của mình. Chất liệu của các giá đỡ hàng không cần quá cao cấp nhưng cũng nên chọn những giá đỡ với màu sắc và thiết kế tinh tế.
- Tủ mát, tủ đông: Để chứa đồ uống và các đồ thực phẩm tươi sống… Tủ mát có thể dùng để chứa các loại nước ngọt, nước đóng chai, sữa,… Còn tủ đông bạn có thể để chứa các thực phẩm tươi sống như thịt, cá,…
- Hệ thống an ninh (camera và cửa từ): Đây là những thiết bị cần thiết để đảm bảo cho cửa hàng của bạn tránh những tổn thất và mất mát không đáng có. Và bạn có thể quan sát xem các nhân viên của mình làm việc như thế nào.
3. Triển khai các hoạt động marketing để thu hút khách hàng
3.1 Chính sách tích điểm khi mua hàng cho khách hàng
Khi mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini, muốn thu hút và giữ chân khách hàng, bạn nên có các chính sách marketing hiệu quả. Chương trình tích điểm khi mua hàng cho khách là một chương trình thúc đẩy tiêu thụ khá hiệu quả. Mỗi khi khách hàng tích được số điểm nhất định, bạn có thể nâng hạng thẻ cho khách hàng hay dùng điểm để đổi thưởng. Ví dụ với mỗi 10 điểm tích được, khách hàng sẽ được trừ 1000 đồng vào đơn hàng tiếp theo, hay nếu tích đủ 1000 điểm, quý khách hàng sẽ được tặng 1 chiếc nồi.
Nhờ chính sách tích điểm này mà khách hàng sẽ có động lực để quay lại siêu thị của bạn mua hàng thường xuyên. Ngoài ra bạn còn thu thập được các thông tin hữu ích của khách hàng để phục vụ cho việc tiếp thị hay triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng sau này.
3.2 Giảm giá giờ vàng
Siêu thị mini và các cửa hàng tiện lợi thường có quy mô nhỏ, do vậy, thay vì thực hiện các chương trình giảm giá đại trà như các siêu thị lớn, bạn có thể thực hiện chương trình giảm giá giờ vàng trong thời gian ngắn hạn. Chương trình “Giờ vàng giá sốc” kiểu này chỉ diễn ra trong khoảng một đến hai giờ, mức giảm giá cao nhưng thường bị giới hạn sản phẩm, nhờ vậy bạn sẽ không sợ bị lỗ vốn, ngược lại còn dễ tạo hiệu ứng khan hiếm. Một số dịp để tổ chức giảm giá giờ vàng là khai trương, dịp lễ lớn (trung thu, Tết,…), ngày kỷ niệm (30/4-1/5, 1/6, 2/9,…)
Trên đây là những kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi mà Blog Sapo muốn chia sẻ đến những bạn có mong muốn mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp cho các bạn có những định hướng nhất định khi bắt đầu mở cửa hàng tiện lợi và chúc công việc kinh doanh của các bạn ngày càng thành công nhé!
4.7 (93.33%) 3 votes
Quản lý kho dễ dàng với Sapo POS
Không biết hàng hóa còn bao nhiêu trong cửa hàng? Để tình trạng này tiếp diễn hoặc sử dụng Sapo POS, quản lý hàng tồn kho chi tiết, tự động hoàn toàn
Dùng thử miễn phí ngay
Quản lý toàn bộ cửa hàng dễ như trở bàn tay với Sapo!
Khám phá ngay
Nguồn: Kinh nghiệm mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini