Học cách bán hàng quà tặng sang Mỹ

61

quatang2-4801e

Quà tặng là mặt hàng Việt Nam có ưu thế nhưng thị trường quà tặng ở Mỹ chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đầu tư đúng mức.

Mỹ là một thị trường rất lớn về quà tặng. Mỗi năm người Mỹ nhập 55 tỉ đô la Mỹ các mặt hàng thủ công, quà tặng và hầu như không có rào cản thương mại, bà Laurie Burns, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Công ty George Little Management, một công ty chuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm về quà tặng tại Mỹ, đưa ra thông tin này tại hội thảo do Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Thương mại tổ chức ngày 8-4.

Hãy quảng bá sản phẩm vào tháng 1 và 7

Bà Laurie Burns cho biết một số đặc điểm cơ bản của thị trường quà tặng ở Mỹ. Trước hết, người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ từ các nước trên thế giới, không phân biệt xuất xứ. Kinh doanh trong lĩnh vực quà tặng lại ít bị tác động bởi các rào cản thương mại. “Tuy nhiên thị trường này cũng luôn thay đổi theo thị hiếu và xu hướng. Sự thay đổi này thường diễn ra vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm và đó cũng chính là thời điểm mà các nhà sản xuất tranh thủ quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng”, bà Laurie Burns nói.

Dự báo về xu hướng thị trường quà tặng năm 2004 tại Mỹ, bà Laurie Burns cho rằng, các mặt hàng được sản xuất từ những nguyên liệu tự nhiên sẽ được ưa chuộng nhiều. Những mặt hàng này cần thể hiện tính sáng tạo, đa dạng và đặc biệt các nhà sản xuất nên lưu ý tới dịch vụ sau bán hàng để có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn như Trung Quốc, Thái Lan.

Theo bà Laurie Burns, bốn chủng loại mặt hàng có thể tiêu thụ mạnh trong năm nay là lọ hoa (có thể làm bằng gỗ, thủy tinh, sứ trơn và có hoa văn), bát đựng nến, khay đựng đá, các mặt hàng hình bướm… Ngoài ra, những mặt hàng khác như khung ảnh, đồ phụ trợ dùng cho việc uống cà phê, trà cũng có khả năng tiêu thụ mạnh.

Không dễ thâm nhập

Tuy thị trường quà tặng ở Mỹ rộng lớn nhưng để tiếp cận, các doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn.

Ông Phan Tuấn, Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Ban Mai, cho rằng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi vào thị trường Mỹ là tìm những đối tác vừa sức, lớn quá thì họ không thể đáp ứng được các đơn hàng. Khó khăn nữa là giá, hàng Việt Nam thường sản xuất thủ công nên giá thành khá cao, trong khi người Mỹ luôn đòi hỏi giá thấp. Ngoài ra, chi phí xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường cũng lớn. Bà Phạm Thị Dung, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Quốc tế Hoàng Gia, đơn vị chuyên sản xuất hàng thêu thủ công, cho hay: “Khó khăn của chúng tôi là tìm đối tác và thiếu thông tin thị trường. Một sản phẩm bán trong nước chỉ khoảng 100 đô la Mỹ, nhưng nhà phân phối bán tại nước ngoài có thể gấp 5-7 lần, công sức của người lao động mình bỏ ra… xót lắm”.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Châu Mỹ – Bộ Thương mại, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, chất lượng hàng hóa Việt Nam không thua kém hàng Thái Lan, Trung Quốc nhưng về thị trường chúng ta còn thua họ một khoảng cách khá xa. Hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa nắm rõ thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài, còn rất lúng túng về các thủ tục xuất khẩu và đặc biệt là không nắm rõ luật pháp của nước nhập khẩu. Vì vậy, để có thể thâm nhập thị trường Mỹ quả thực không đơn giản.

Thâm nhập thị trường qua đường hội chợ

Một trong những cách thức để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ hiện nay là tham gia các hội chợ, nơi tập trung những khách hàng nhỏ, lẻ.

Cùng chung quan điểm này nhưng ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, cách thức tham gia hội chợ của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu khoa học, thiếu thống nhất, mạnh ai nấy làm. Ồng Bình khuyến cáo: “Các doanh nghiệp Việt Nam đừng nhìn vào chi phí (khoảng 15.000 đô la Mỹ mỗi lần tham gia hội chợ) mà nên nhìn tới những đơn hàng lớn, bạn hàng, nhà phân phối Mỹ – những người rất thích làm việc với đối tác tại hội chợ”.

Theo ông David G. Purvis, Giám đốc Công ty Thiết kế Âu Lạc, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức hội chợ thương mại quốc tế, thì các doanh nghiệp cần chuẩn bị bài bản để tham gia hội chợ, từ khâu lựa chọn hội chợ, lực chọn sản phẩm giới thiệu, các catalogue, bảng giá, tới những chi tiết rất nhỏ như cách ăn mặc, giao tiếp của những người giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.

(Trích dẫn từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn)