– Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đây là nghị định đầu tiên trong 5 nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử.
Theo quy định tại nghị định này, chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như văn bản nếu thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập được để sử dụng khi cần thiết. Chứng từ điện tử cũng có giá trị như bản gốc nếu thỏa mãn được đồng thời 2 điều kiện là có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là chứng từ điện tử hay dạng khác. Và thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Đi cùng với công nhận chứng từ điện tử, Nghị định 57 cũng công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Nghị định ghi rõ, chứng từ điện tử được coi là có chữ ký của một bên nếu đã sử dụng một phương pháp để xác nhận được bên ký chứng từ điện tử và xác nhận sự chấp thuận của bên đó đối với thông tin chứa trong chứng từ điện tử được ký….
Tuy nhiên, Nghị định nêu rõ các quy định này không áp dụng cho việc sử dụng chứng từ điện tử là hối phiếu, lệnh phiếu, vận đơn, hóa đơn gửi hàng, phiếu xuất nhập kho hay bất cứ chứng từ có thể chuyển nhượng nào cho phép bên nắm giữ chứng từ hay bên hưởng thụ được hưởng quyền nhận hàng hóa, dịch vụ hoặc được trả một khoản tiền nào đó.
Nghị định này áp dụng đối với thương nhân sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại. Tổ chức cá nhân khác sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động có liên quan đến thương mại cũng là đối tượng áp dụng của Nghị định này.
Việc ra đời nghị định về thương mại điện tử đánh dấu một bước tiến lớn trong việc tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm tiến hành giao dịch thương mại điện tử, khuyến khích thương mại điện tử phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần quy định và hướng dẫn chi tiết hơn nữa như việc ứng dụng thương mại điện tử trong các lĩnh vực hoạt động đặc thù như cung ứng hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện, quảng cáo thương mại qua phương tiện điện tử, sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại trực tuyến, chống thư rác, bảo vệ người tiêu dùng và các quy định liên quan khác.
-
Phước Hà