8 điều quan trọng doanh nghiệp phải biết từ hội nghị F8 của Facebook

44
Sự kiện F8

Mục lục

  • Hệ sinh thái Facebook
  • Messenger chính thức là một nền tảng riêng
      • Nhất định bạn phải thử
  • Messenger dành cho doanh nghiệp
  • News Feed luôn luôn mới mẻ
  • Ảnh -> Video -> Video 360 độ
  • Sự thách thức đến Youtube
  • Báo cáo phân tích dành cho ứng dụng
  • Mốc 1 tỷ tiếp theo của Facebook

Dành cho những người chưa biết về sự kiện F8: F8 là một hội nghị thường niên của Facebook dành cho cộng đồng lập trình viên. F8 được truyền cảm hứng từ truyền thống cuộc thi Hack liên tục 8 tiếng (8-hour Hackathons), cuộc thi mà từ đó nhiều sản phẩm và tính năng thú vị đã ra đời.

Giống như sự kiện WWDC của Apple và I/O của Google, F8 là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất dành cho những lập trình viên quan tâm đến nền tảng Facebook. Đối với dân marketing mà nói, những thông báo được đưa ra tại hội nghị F8 cũng quan trọng không kém: những kết quả từ hội nghị này sẽ quyết định cách họ kết nối với 1.4 tỷ người dùng hàng tháng của Facebook.

Dưới đây chúng tôi sẽ điểm lại những thông tin quan trọng nhất dành cho dân marketing, rút ra từ sự kiện F8 của năm nay:

Hệ sinh thái Facebook

Facebook đã thành công trong việc biến một website thành một ứng dụng điện thoại không thể thiếu của người dùng. Khi giới marketing đang bị hoa mắt vì những thành công của ứng dụng Facebook trên điện thoại thì Facebook đã đi nhiều nước cờ còn cao tay và thể hiện tầm nhìn xa hơn thế. Người làm marketing không nên chỉ xem Facebook như một website hoặc một ứng dụng đơn thuần. Hãy nhìn rộng ra để nhận thấy rằng Facebook đã biến thành một hệ sinh thái thực sự. Người dùng dành rất nhiều thời gian trên các ứng dụng mà Facebook sở hữu, ngoài ra Facebook cũng cho phép các thương hiệu “sống” hoặc “cộng sinh” bên trong hệ sinh thái ấy bằng cách tương tác và tạo ra những ứng dụng riêng để kết nối với khách hàng của họ.

Hệ sinh thái Facebook

Messenger chính thức là một nền tảng riêng

Năm 2007, trong hội nghị F8 đầu tiên, Facebook đã thông báo rằng họ sẽ chuyển thành một nền tảng để phát triển. Bằng cách dựa vào API, người lập trình và marketing có thể tạo ra những thứ họ muốn. Trong một vài năm ngắn ngủi, người ta đã thấy nhiều doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô được xây dựng dựa trên nền tảng Facebook (ví dụ Zynga). Người dùng chơi game, tương tác với ứng dụng và chia sẻ thông tin lên Newsfeed một cách dễ dàng khiến cho trải nghiệm với Facebook trở nên thú vị hơn và vì thế càng ngày càng nhiều người sử dụng Facebook và những ứng dụng được xây trên nền tảng này. Nhiều người nói rằng sự thành công của Facebook hoàn toàn chỉ nhờ vào việc tự biến mình thành một nền tảng để người khác phát triển. Thực ra biến một website thành một nền tảng thì không phải là việc khó, điều khó nhất ở đây là làm thế nào để thành công khi mà thế giới những ứng dụng di động đã rất phát triển.

Nền tảng Messenger

8 năm sau, ở hội nghị F8 năm nay, Facebook đã thông báo rằng Messenger sẽ là một nền tảng của Facebook dành cho di dộng. Không thể không nói rằng đó là một bước đi cực kỳ khôn ngoan của Facebook. Khi mà người dùng ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho những ứng dụng nhắn tin trên di động như WeChat, Line, What’s App thì Facebook nhất định không thể đứng ngoài cuộc chơi. Điều mới ở nền tảng Messenger này là sự tương thích giữa các ứng dụng di động riêng biệt, khiến cho việc dùng các ứng dụng khác nhau cũng giống như chuyển đổi giữa các tab trên một trình duyệt vậy.

Nhất định bạn phải thử

Cũng giống như năm 2007, giới marketing bây giờ đang đứng trước cơ hội tiếp cận với người dùng bằng những cách mới mẻ và thú vị hơn bằng cách xây dựng những nội dung, những ứng dụng mới trên nền tảng Messenger. Trâu chậm thì uống nước đục, bạn càng bắt đầu sớm bao nhiêu thì cơ hội thành công của bạn càng cao bấy nhiêu.

Messenger dành cho doanh nghiệp

Từ trước đến nay, sự tương tác của khách hàng đến với các doanh nghiệp trên Facebook chưa được chăm chút đúng mức. Phương thức giao tiếp chủ yếu vẫn là email, một cách khá mất thời gian và mang tính một chiều. Ví dụ: khách hàng sẽ không thể trả lời các email mà hệ thống gửi tự động sau khi mua hàng. Từ khi mua hàng đến khi nhận được hàng, bạn sẽ phải nhận thêm nhiều email nữa để cập nhật trạng thái của đơn hàng đó. Đó là điều mà Facebook muốn thay đổi, họ muốn khách hàng có thể được cập nhật về trạng thái của đơn hàng và nói chuyện với bộ phận chăm sóc khách hàng trực tiếp qua Messenger. Từ lâu các doanh nghiệp đã muốn xây dựng một mối quan hệ thân thiết hơn với khách hàng, bây giờ họ đã có thể làm điều đó thông qua Messenger.

Messenger cho doanh nghiệp

News Feed luôn luôn mới mẻ

Một tính năng cực kỳ quan trọng của Google là thuật toán Xếp hạng trang. Tính năng này được thay đổi và cập nhật chắc còn nhiều hơn bạn thay áo để theo kịp sự thay đổi của thông tin và sự mong đợi của người dùng. Facebook cũng thế: Nếu họ muốn người dùng quay lại và dành nhiều thời gian hơn cho họ, thuật toán sắp xếp News Feed phải luôn luôn được cập nhật.

Theo thông báo mới nhất của Facebook, sự “tương tác trong im lặng” của hơn 90% người dùng cũng sẽ được xem như là một ẩn của bài toán News Feed. Nhiều người dùng chỉ đọc hoặc xem nội dung mà không đưa ra những tương tác thông thường như like, bình luận hay chia sẻ. Từ nay, người dùng càng dành nhiều thời gian cho một nội dung thì nội dung đó sẽ càng đến được với nhiều người dùng khác.

Ảnh -> Video -> Video 360 độ

Các định dạng nội dung trên Facebook đang không ngừng “tiến hoá”. Bắt đầu bằng việc chia sẻ text đơn thuần nhưng Facebook chỉ thực sự phát triển khi đưa ra tính năng cho phép người dùng up ảnh và tag bạn bè vào. Nếu như vài tháng qua, bạn cứ có cảm giác rằng News Feed của bạn xuất hiện nhiều video hơn thì tôi có thể khẳng định luôn với bạn rằng đó không phải là cảm giác của bạn đâu, mà đó là sự thật. Hiện tại, Facebook đang rất ưu tiên cho các nội dung được chia sẻ dưới dạng video. Thậm chí Facebook sẽ không dừng lại ở đó, tương lai của Facebook sẽ nằm ở các video dưới dạng 360 độ cho phép người dùng “sống trong video”. Chắc hẳn tính năng này sẽ chưa thể phổ cập ngay được, một khi điện thoại của người dùng còn chưa có tính năng quay phim chụp ảnh 360 độ, nhưng ít nhất tôi có thể khẳng định với bạn rằng: Không dùng video thì sẽ không tiếp cận được với khách hàng. Thế nên những người làm marketing sẽ phải tập trung để tạo ra nhiều nội dung video hơn nữa nếu muốn sống sót trên Facebook.

Định dạng mới

Sự thách thức đến Youtube

Hiện nay Facebook đang có 4 tỷ lượt xem video hàng ngày. Với một con số ấn tượng và sự phát triển vượt bậc như vậy, Facebook thực sự đang thở hơi nóng vào gáy Youtube trong cuộc đua trở thành nền tảng video lớn nhất thế giới. Trong những năm đầu phát triển, Youtube đã rất thành công với tính năng “nhúng video”. Những nội dung được chia sẻ trên Youtube đã vượt xa ra khỏi khuôn khổ của nó và đến được với rất nhiều người. Ở hội nghị F8 năm nay, Facebook thông báo người dùng đã có thể nhúng video trên Facebook vào bất cứ website nào.Thông báo này cho phép giới marketing đưa video Facebook đến với nhiều khách hàng hơn chứ không chỉ giới hạn trên Facebook. Chắc chắn bạn sẽ thấy nhiều công ty dùng video từ Facebook trên các trang blog và đủ mọi nơi trên website của họ. Một tính năng quan trọng khác mà Facebook đưa ra đó là đồng bộ hoá những comment trên Facebook và Website để dễ theo dõi.

Báo cáo phân tích dành cho ứng dụng

Thị trường phân tích dành cho ứng dụng đang là một thị trường rất nóng. Ngày càng nhiều công ty cung cấp dịch vụ cho phép người lập trình cũng như doanh nghiệp đánh giá những tương tác của người dùng đối với ứng dụng di động của họ. Facebook hiện nay cũng đã nhảy vào cuộc chơi với tính năng Analytics for Apps (Báo cáo phân tích dành cho ứng dụng). Tại sao điều này lại đáng sợ đối với những dịch vụ phân tích khác? Có thể dễ dàng thấy rằng “tay chơi” Facebook đang nắm trong tay một quân bài tẩy, chính là cơ sở dữ liệu khổng lồ đến mức khó tưởng tượng. Điều này cho phép Facebook biết những sự thật mà không ai khác biết. Nếu bạn muốn biết fan của Mỹ Tâm hay fan của Hồ Ngọc Hà đang dùng ứng dụng nghe nhạc của bạn nhiều hơn thì hãy hỏi Facebook. Nếu muốn biết quận Ba Đình hay quận Cầu Giấy có tỉ lệ chuyển đổi cao hơn, hãy hỏi Facebook.

Một lời nhắn gửi đến các chủ doanh nghiệp và người làm marketing: hãy dùng Analytics for Apps để đưa ra những hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn, chắc chắn rằng kết quả đưa lại sẽ tốt hơn với những thông tin chính xác hơn.

Phân tích ứng dụng

Mốc 1 tỷ tiếp theo của Facebook

Facebook vừa thông báo rằng nhờ vào trang web Internet.org, họ đã tiếp cận được với nhiều người dùng hơn bằng cách cung cấp các dịch vụ internet cơ bản miễn phí trên di động. Ở các nước đang phát triển với dân số lớn như Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước châu Phi, người dùng sẽ tiếp cận với Internet bằng điện thoại “đời thấp”. Nếu Facebook muốn tăng lượng người dùng, chắc chắn họ sẽ phải tìm kiếm những người chưa bao giờ dùng Internet.

Facebook đã trở thành một thế lực đáng sợ: vừa tiếp cận được với rất nhiều đối tượng, vừa hiểu rất sâu các đối tượng đó. Việc lượng người dùng của Facebook tăng trưởng liên tục cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, ở những khu vực mà trước đây họ khó có thể tiếp cận được ví dụ như khu vực nông thôn.

Với sự phát triển nhanh chóng và đúng hướng, Facebook đã sớm trở thành một thế lực đáng gờm, đe doạ trực tiếp vị trí của các “tay chơi” sừng sỏ như Google, Yahoo và Microsoft. Và chắc chắn rằng với đà phát triển vũ bão này, Facebook sẽ chưa dừng lại ở đây mà sẽ đưa ra nhiều bước đi thú vị hơn. Chắc chắn, Facebook sẽ luôn “Phóng nhanh, tan tành giới hạn”.


Tác giả bài viết: Preetham Venkky, phụ trách chiến lược và kinh doanh số, KRDS Singapore.

Nguồn: marketing-interactive.com

Biên tập: hiSella

Nhat Le Hoang – hiSella Editor

"Vires acquirit eundo"