Marketing liên kết và những điều cần lưu ý

61

 

Marketing_lien_ket_va_nhung_dieu_can_luu_y

 

Marketing liên kết là việc thực hiện các chương trình, hoạt động tiếp thị thông qua sự liên kết với các doanh nghiệp khác trong các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh.

Theo một số chuyên gia về tiếp thị , nếu biết cách vận dụng hình thức tiếp thị này, doanh nghiệp sẽ đạt được những kết quả bất ngờ trong kinh doanh…

Chắc hẳn đã có dịp bạn được tặng một phiếu mua hàng giảm giá khi sử dụng một dịch vụ hay mua một sản phẩm nào đó. Chẳng hạn, khi tham gia một chuyến du lịch, bạn có thể được tặng một phiếu mua mắt kính giảm giá.

Tương tự, khi mua một chiến máy vi tính, bạn được tặng một phiếu mua máy in hay mực in giảm giá. Khi đến một siêu thị mua hàng, bạn được tặng phiếu dùng bữa giảm giá ở nhà hàng bánh pizza… Các chuyên gia tiếp thị gọi các hình thức tiếp thi này là tiếp thị liên kết (fusion marketing).

Tuy nhiên, tiếp thị liên kết không phải dừng lại ở hình thức tặng phiếu mua hàng giảm giá mà còn có thể áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ doanh nghiệp có thể kết hợp danh sách khách hàng nhận thư tiếp thị trực tiếp (mailing list) của mình với mailing list của doanh nghiệp khác để mở rộng đối tượng khách hàng (trong trường hợp các sản phẩm, dịch vụ của hai doanh nghiệp có liên quan), hoặc kết hợp với doanh nghiệp khác để cùng tổ chức các cuộc viếng thăm khách hàng nhằm chào bán sản phẩm, dịch vụ (sales calls) của hai bên.

Theo các chuyên gia tiếp thị, để làm marketing liên kết có hiệu quả, doanh nghiệp cần lưu những điều dưới đây:

1. Xác định đúng các đối tác tiềm năng.

Một đối tác tiềm năng phải là một doanh nghiệp khác có cùng một đối tượng khách hàng hiện tại với doanh nghiệp và có thể cùng chia sẻ lợi ích khi phục vụ các đối tượng khách hàng đó. Tốt nhất, nên chọn các đối tác tiềm năng hoạt động trong những lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp theo kiểu liên đới hay bổ sung cho nhau (chứ không phải hoàn toàn giống nhau để tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau).

2. Xác định hình thức tiếp thị liên kết áp dụng cho từng đối tác.

Với mỗi đối tác khác nhau, doanh nghiệp sẽ có hình thức liên kết khác nhau. Với đối tác này, doanh nghiệp có thể áp dụng hình thức tặng phiếu mua hàng giảm giá, nhưng với đối tác khác doanh nghiệp chỉ có thể áp dụng hình thức kết hợp mailing list.

3. Ký kết một văn bản thoả thuận chung.

Đó không nhất thiết phải là một văn bản nặng về tính pháp lý, nhưng ít ra phải đạt được sự thông hiểu và có những ràng buộc nhất định về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Nguyên nhân hàng đầu khiến một chương trình tiếp thị liên kết đi đến thất bại là hai bên không thông hiểu nhau.

4.  Không nên ngần ngại việc kết hợp mailing list.

Đừng lo lắng về chuyện danh sách khách hàng của đối tác nào dài hay ngắn hơn của đối tác nào. Điều quan trọng là doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng thêm đối tượng khách hàng và nâng cao hiệu quả của hoạt động tiếp thị. Yếu tố cạnh tranh lẫn nhau sẽ được loại bỏ khi doanh nghiệp đã chọn được đúng đối tác liên kết.

5. Giữ đúng cam kết với các khách hàng tham gia chương trình tiếp thị liên kết.

Một khi doanh nghiệp đã đưa ra các lời mời chào, đề nghị áp dụng cho khách hàng thì phải thực hiện đúng các lời hứa đó. Doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện dễ dàng cho khách hàng tham gia các hoạt động tiếp thị, khuyến mãi do mình hay đối tác của mình tổ chức.

Có như thế, các bên đối tác với một chương trình tiếp thị liên kết mới có thể giữ chữ tín cho nhau và có thêm nhiều khách hàng trong tương lai.

6. Tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp thị hưởng đến khách hàng mới tiếp cận được thông qua các chương trình tiếp thị liên kết.

Một chương trình tiếp thị liên kết có hiệu quả và ấn tượng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm những khách hàng mới (tức là những khách hàng hiện tại của đối tác liên kết).

Nhưng doanh nghiệp không nên dừng lại ở đó, mà nên tiếp tục triển khai các hoạt dộng tiếp thị tiếp theo để củng cố quan hệ với các khách hàng mới và biến họ thành những khách hàng trung thành của doanh nghiệp sau này.