Với hơn 31 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, khi ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp nhỏ “có sẵn” hàng chục triệu khách hàng tiềm năng trên mạng.
“Doanh nghiệp nên online vì khách hàng đã ở trên mạng”
Trong cuộc trao đổi mới đây tại Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ông James McClure, Giám đốc các thị trường đang phát triển tại Nam và Đông Nam Á, người quản lý các hoạt động thương mại tại Việt Nam và một số nước khác trong khu vực của Google đã chia sẻ nhiều câu chuyện kinh doanh thành công trên thế giới. Chẳng hạn, một công ty ở Thái Lan sản xuất quần soóc (short) và các phụ kiện tập Boxing Thái, thoạt đầu người chủ chỉ bán cho khách mua trong thành phố, sau đó lập 1 website để giới thiệu sản phẩm của mình và bất ngờ nhận được đơn hàng từ rất nhiều người từ nhiều quốc gia – giờ anh đã có một nhà máy sản xuất lớn. Câu chuyện thứ hai là một công ty viết phần mềm ở Malaysia, trước kia chỉ nhắm tới các thị trường lớn là Singapore và Ấn Độ nhưng sau khi công ty này lập một website giới thiệu thì họ có thêm khách hàng từ Kazakhstan với rất nhiều đơn đặt hàng.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông James McClure khuyến nghị: “Việt Nam đã có 32,5 triệu người online. Và có đến hơn 50% người Việt tìm kiếm thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua, bất kể họ mua trực tuyến (online) hay ra ngoài cửa hàng mua tại chỗ. Doanh nghiệp nên online vì khách hàng đã ở sẵn trên mạng rồi”.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức cũng như hành động trong việc ứng dụng CNTT, TMĐT. Đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ tăng trưởng vượt trội về doanh thu và khách hàng nhờ ứng dụng TMĐT. Chẳng hạn, Cửa hàng Đồ câu cá ở Số 1 Hàng Đậu, Hà Nội chuyên kinh doanh thiết bị câu cá (từ mồi ăn, lưỡi câu, cần câu,..) có doanh thu tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi lập website. Hoặc Công ty Cổ phần Đầu tư GOSAMU chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ GOSAMU, trước kia chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng cũ, khách hàng đều do người quen hoặc các khách hàng cũ giới thiệu lại, kể từ khi triển khai ứng dụng TMĐT với các phương thức như lập website giới thiệu sản phẩm, giao hàng tận nơi miễn phí, cho đổi trả hàng trong 1 tuần, khách hàng có thể trả tiền sau khi nhận hàng hoặc thanh toán trực tuyến,… thì đã phát triển được rất đông khách hàng mới ở nhiều vùng miền.
Chẳng phải làm gì, chỉ cần chi 250.000 đồng/tháng
Việc triển khai ứng dụng TMĐT đối với các doanh nghiệp nhỏ giờ đây khá dễ dàng, khi trên thị trường đã có nhiều nhà cung cấp các dịch vụ trọn gói từ thiết kế website, vận hành website, tư vấn để doanh nghiệp hút được nhiều khách hàng vào website và mua hàng,… Đáng chú ý nhất là hệ thống cung cấp website trực tuyến Bizweb của Công ty DKT (vừa đạt danh hiệu Sao Khuê năm 2012, xếp hạng 4 sao trong lĩnh vực TMĐT).
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty DKT cho biết: Sử dụng Bizweb, các doanh nghiệp sẽ được DKT thiết kế, hỗ trợ vận hành website và nhiều dịch vụ tư vấn kinh doanh trực tuyến. Với 1 doanh nghiệp nhỏ có dưới 100 mặt hàng, ví dụ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ thì chỉ cần chi phí khoảng 250.000 đồng/tháng, doanh nghiệp sẽ được lựa chọn 1 trong số hơn 100 mẫu website để xây dựng 1 website hoàn chỉnh, được hỗ trợ đưa thông tin về sản phẩm, dịch vụ của mình lên website và tư vấn cách quảng bá, phát triển website…
Đặc biệt, Bizweb có mạng lưới liên kết với 500 website và doanh nghiệp sử dụng Bizweb sẽ có một lượng quảng cáo nhất định trên 500 website này. Ngoài ra, DKT còn hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dịch vụ email marketing dựa trên danh sách khách hàng của chính doanh nghiệp đó. 100% website doanh nghiệp khách hàng của Bizweb đều được thiết kế chức năng thanh toán trực tuyến, việc có sử dụng chức năng này hay không tùy thuộc vào quyết định của từng doanh nghiệp.
Xuân Bách – ICT News