Việt Nam: “miếng bánh” mới của quảng cáo trực tuyến

54

 

 

Theo con số thống kê sơ bộ, đến năm 2005, doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, không quá 2 triệu USD, rất nhỏ so với tổng doanh số quảng cáo.
Thị trường sơ khai

Phần lớn quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đều nằm trong tay vài tờ báo điện tử có đông người truy cập như VnExpress, VietnamNet. Với các báo in có trang tin điện tử như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng… thì quảng cáo hầu như không đáng kể, thu từ quảng cáo không bù đắp nổi chi phí. Ngay cả Tuổi Trẻ, vốn là tờ báo in có sức thu hút quảng cáo cực mạnh thì trên website quảng cáo vẫn rất thưa thớt. Để đơn giản, trong bài này chúng tôi sẽ dùng thuật ngữ “báo điện tử” chung cho cả hai loại hình website tin tức nói trên.

Thị trường quảng cáo trực tuyến không hấp dẫn một phần do các báo điện tử chỉ biết “phiên ngang” quảng cáo trên báo in sang. Hình thức quảng cáo đơn điệu, chỉ có logo, banner và “hiện đại” nhất là gần đây các báo điện tử đua nhau làm banner chạy lên chạy xuống khi cuộn màn hình để quảng cáo lúc nào cũng nằm trong tầm mắt người xem. Do chỉ có một hình thức này nên các trang chủ báo điện tử nhìn vào cứ rối mắt vì banner quảng cáo xanh xanh đỏ đỏ chen lẫn nhau phá hỏng sự hài hoà về màu sắc. Các công nghệ quảng cáo và cách đánh giá hiệu quả quảng cáo mới dựa trên mức độ quan tâm của người xem như CPM (Cost Per Thousand Impression), CPC (Cost Per Click), Ad Click Through, Ad Impressions … hiện phổ biến trên thế giới hầu như chưa được ứng dụng ở Việt Nam.

Các báo điện tử hầu như rơi vào vòng lẩn quẩn “con gà và quả trứng”: ít quảng cáo thì không có tiền đầu tư và vì thiếu tiền đầu tư nên không cải tiến, nâng cấp được để thu hút quảng cáo.

Đánh giá bằng… spyware

Cũng ít có báo điện tử nào có được bộ tài liệu cung cấp cho nhà quảng cáo (sales kit) cũng như đội ngũ nhân viên khai thác quảng cáo trực tuyến chuyên nghiệp. Hiệu quả quảng cáo cũng rất khó đo lường vì nhà quảng cáo cũng không được cung cấp các công cụ theo dõi xem hiệu quả do banner quảng cáo của họ đến đâu. Trong khi đó, các website thu hút quảng cáo lớn ở nước ngoài đều cung cấp cho khách hàng của họ những công cụ theo dõi hiệu quả quảng cáo.

Các chỉ số cơ bản để đánh giá khả năng thu hút bạn đọc của website là số lượt người truy cập (visitor), số lượt người truy cập thường xuyên (unique visitor) và số trang bình quân được xem (pages view) tính theo tháng, năm hầu như không có báo nào cung cấp chính xác. Đây là các thông số được các công ty quảng cáo quốc tế xem là tiêu chuẩn đánh giá sức hấp dẫn của một website.

Trong khi đó, nhiều báo điện tử Việt Nam lại chủ yếu dựa vào thông tin xếp hạng của website Alexa.com để giới thiệu với khách hàng quảng cáo. Về cơ bản, bảng tổng sắp thứ hạng của Alexa phản ánh tương đối chính xác.

Tuy nhiên, do website này chỉ cung cấp số hit (mỗi visitor có thể tạo ra hàng ngàn hit) nên không thể đánh giá chính xác số visitor. Mặt khác, phần mềm do website này cung cấp (Alexa toolbar) đều bị các chương trình chống virus xếp vào loại phần mềm gián điệp (spyware) và không cho hoạt động.

Như vậy, cách đưa ra chỉ số đánh giá website của nhiều báo điện tử ở Việt Nam không chỉ trái với thông lệ quốc tế mà còn không chính thống vì dựa vào thông tin từ spyware Alexa toolbar cung cấp. Đây cũng là một trong những lý do chủ yếu khiến quảng cáo của các công ty nước ngoài chỉ xuất hiện trên báo in mà vắng bóng trên báo điện tử Việt Nam.

Sóng ngầm

Năm 2006, nhìn bề ngoài thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam vẫn khá im ắng. Tuy nhiên, đằng sau đó lại là các đợt sóng ngầm với hàng loạt chuyển động. Một số công ty thương mại điện tử trong nước khác vốn trước nay chỉ hoạt động trong một vài lĩnh vực chuyên ngành như săn đầu người đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, xem đó là chiến lược phát triển dài hạn.

Cũng trong thời điểm này, làn sóng ngầm từ các đại gia dotcom như Yahoo! và Google ngày càng mạnh lên. Hàng loạt động thái chuẩn bị cho việc chia phần “miếng bánh” quảng cáo trực tuyến mới đang được ráo riết triển khai. Cả Yahoo! và Google đều đang cấp tập tung ra các dịch vụ bằng tiếng Việt với mục tiêu thu hút người Việt Nam sử dụng. Điều này cho thấy thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đang và sẽ là miếng bánh hấp dẫn của các đại gia “dot-com”.

Tuy âm thầm hoạt động nhưng cho đến nay Google đã tung ra sản phẩm nhắm vào thị trường VN một cách rõ ràng. Với ưu thế có đến 138 trang chủ với tên miền quốc gia (ví dụ phiên bản Google Việt Nam là www.google.com.vn), hỗ trợ hơn 100 thứ tiếng, Google đã nhanh chóng bản địa hoá phần quảng cáo trên phiên bản tiếng Việt. Nhiều tiện ích khác như công cụ tìm kiếm, các danh mục website tiếng Việt… cũng được Google liên tục cập nhật, nâng cấp.

Việc đầu tư nhân sự cho các dự án tiếng Việt của Google cũng ráo riết hơn. Trước đây, Google chỉ chuyển ngữ bằng cách huy động tình nguyện viên (volunteer) để dịch trang Google sang tiếng Việt. Gần đây, Google đã thuê hẳn nhiều biên dịch viên làm thời vụ để chuyển ngữ các dịch vụ của Google sang tiếng Việt, đặc biệt là phần cung cấp dịch vụ quảng cáo tại địa chỉ http://adwords.google.com /select/?hl=vi.

Cho đến nay, nhu cầu tuyển biên dịch viên tiếng Việt vẫn còn trên mục Việc làm của Google. Khoảng 3 tháng trước đây, Google còn rao tuyển vị trí khá quan trọng là Country Consultant ở một loạt các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines… Hiện tại, vị trí này ở Việt Nam dường như đã tìm được người vì đã được rút khỏi danh sách rao tuyển.

Yahoo! ráo riết chạy đua với Google

Ráo riết chạy đua với Google, Yahoo! đã tung ra phiên bản tiếng Việt tại địa chỉ http://vn.yahoo.com/. Trong số các phiên bản bản địa hoá của Yahoo!, bản tiếng Việt được đưa ra khá sớm so với các bản tiếng Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Tại tổng hành dinh của Yahoo! Đông Nam Á ở Singapore, nơi đang chủ trì dự án Việt hoá Yahoo! hiện có một số sinh viên Việt Nam làm việc miệt mài từ gần một năm qua. Trong số này đã có người, dù còn rất trẻ, đã được bổ nhiệm là giám đốc sản phẩm trang Yahoo! tiếng Việt. Cho đến nay, ngoài trang chủ tiếng Việt, Yahoo! còn có các dịch vụ đã được Việt hóa khá tốt là email tiếng Việt (http://login.yahoo.com/config/mail?.intl=vn) và công cụ tìm kiếm tiếng Việt (http://vn.search.yahoo.com/ ).

Cuối năm 2005, Yahoo! Đông Nam Á đã lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thông qua ngày hội internet tổ chức ở nhà văn hoá Thanh Niên TP.HCM. Phái đoàn của Yahoo! gồm ba người đã làm một business tour từ Nam chí Bắc, tiếp xúc hàng loạt đối tác để tìm hiểu nhu cầu lướt web của người Việt. Larry Jordan, giám đốc quản lý sản phẩm của Yahoo! khu vực Đông Nam Á không ngại tốn thời gian để tìm cho ra câu trả lời “Yahoo! cần làm gì để hấp dẫn người Việt” và “Làm sao tìm được nguồn tin phong phú, chính xác để đưa vào Yahoo! Việt Nam” nơi các đối tác ông ta tiếp xúc.

(Theo SGTT)