Hướng dẫn tối ưu giao diện website chi tiết để tăng trải nghiệm khách hàng

45
Hướng dẫn tối ưu giao diện website chi tiết để tăng trải nghiệm khách hàng

Một website có giao diện dễ sử dụng sẽ mang đến kết quả SEO tổng thể tốt. Chúng ảnh hưởng đến các yếu tố như tỷ lệ thoát, thời gian trên trang và tỷ lệ chuyển đổi, và các số liệu này ảnh hưởng đến hiệu quả SEO website của bạn. Tối ưu hóa giao diện là điều cần thiết cho tất cả các trang web, đặc biệt là website thương mại điện tử.

Kiểm tra khả dụng (user testing/usability testing) là một cách để tối ưu hóa website của bạn, nhưng có rất nhiều điều có thể thực hiện chỉ bằng cách nghiên cứu những ví dụ tốt nhất, so sánh chúng với trang web của bạn và tiến hành cải thiện. Những hướng dẫn sau sẽ đưa bạn đi qua quy trình đó và xem xét mọi thứ bạn cần giải quyết để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất có thể.

1. Trang chủ

Bạn đã bao giờ nhìn kỹ vào Trang chủ website của mình? Mặc dù hầu hết các giao diện website thiết kế sẵn đều độc đáo và phù hợp với người dùng, nhưng nó có thể không thực sự phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn.

Tập trung vào đối tượng mục tiêu của bạn

Trước khi chọn giao diện website, bạn cần hiểu nhu cầu của khách hàng mục tiêu của mình. Họ là những người luôn so sánh để tìm kiếm giá tốt nhất, hay họ muốn đọc hàng tá đánh giá trước khi mua? Có đặc trưng về văn hóa nào mà bạn cần phải tính đến? Những điều này xác định việc thiết lập và bố trí Trang chủ website của bạn. Bạn sẽ cần phải làm rõ chúng ngay từ đầu.



Nếu một trong những ưu tiên của bạn là cung cấp giá tốt nhất có thể, Giá bán có lẽ sẽ là mục nổi bật nhất trên Trang chủ của bạn. Nhưng, nếu bạn đang bán các sản phẩm chất lượng cao và mọi người sẵn sàng trả nhiều hơn một chút, yếu tố cảm xúc nên được quan tâm nhiều hơn. Bạn có thể sử dụng những hình ảnh bắt mắt, tập trung vào các tính năng và lợi ích cốt lõi của sản phẩm.


Call-to-action trên Trang chủ

Nhiệm vụ của Trang chủ là hướng dẫn khách truy cập vào các trang sản phẩm. Trang chủ website không nhất thiết phải được thiết lập với tiêu chí SEO mà nên tập trung vào người dùng. Điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ phải tạo ra lời kêu gọi hành động (call-to-action) trên Trang chủ đó. Dưới đây là một số mẹo hữu ích để thiết lập lời kêu gọi đó:

  • Hãy chắc chắn rằng nó thật nổi bật so với thiết kế chung với màu sắc đối lập.
  • Hãy chắc chắn rằng nó trông giống như một nút.
  • Lời kêu gọi phải thật rõ ràng. Đừng nên nói ‘Gửi cho chúng tôi’, hãy là ‘Mua ngay’.
  • Sử dụng nhiều khoảng trắng xung quanh nút.
  • Sử dụng hero image (ảnh chất lượng cao, thường có chiều rộng tối đa trên đầu Trang chủ website) đã trở nên rất phổ biến những ngày này. Chúng thu hút và khơi gợi cảm xúc người dùng.

Sau khi đón khách truy cập vào trang web, bạn có thể hướng dẫn họ đến nơi bạn ‘kiếm tiền’: các Trang sản phẩm. Trước khi tìm hiểu vấn đề này, chúng ta hãy xem xét cách tối ưu hóa Thanh tìm kiếm và Danh mục/Trang đích.


Thanh tìm kiếm

Thanh tìm kiếm là nơi cung cấp những điều hướng quan trọng nhất cho website của bạn, và bạn nên tối ưu hóa nó hết mức. Bạn sẽ thấy rằng các thương hiệu lớn đều tập trung rất nhiều vào Thanh tìm kiếm trên website của họ. Lý do rất đơn giản: Nếu bạn có thể tìm thấy sản phẩm bạn đang tìm kiếm, bạn có thể mua nó!



Cũng như tối ưu hóa Thanh tìm kiếm, bạn cần đảm bảo rằng các trang kết quả tìm kiếm của bạn cung cấp một cái nhìn tổng quan tuyệt vời. Bạn cần hiển thị giá và thậm chí là nút ‘Thêm vào giỏ hàng’ bên cạnh tên và hình ảnh sản phẩm. Nếu được, một số tùy chọn so sánh (giá, phiên bản,…) sẽ có ích.


Bộ lọc tùy chọn

Sau khi tìm kiếm, các cửa hàng quần áo online sẽ cho phép lọc theo nhiều yếu tố: kích thước, giới tính, màu sắc,… Các bộ lọc như thế này hoặc sắp xếp theo giá cả hoặc tính sẵn có, sẽ giúp khách truy cập tìm thấy sản phẩm họ muốn càng nhanh càng tốt.



Tối ưu hóa Danh mục sản phẩm

Danh mục của bạn có thể còn quan trọng hơn các trang sản phẩm, vì chúng cung cấp cho khách truy cập những tùy chọn để chọn và so sánh, tương tự các trang kết quả tìm kiếm. Trang Danh mục cửa hàng nên được coi là một nơi để đẩy mạnh SEO, nhưng sự trải nghiệm người dùng vẫn quan trọng hơn nhiều.


Dưới đây là một số điều bạn cần ghi nhớ:

  • Trang Danh mục là chất keo kết nối các sản phẩm của bạn lại với nhau và thuyết phục khách mua hàng. Ngay cả khi phải vuốt qua phải để xem hết Danh mục sản phẩm, khách hàng sẽ đánh giá cao chúng (và Google chắc chắn cũng vậy).
  • Liệt kê tất cả các danh mục, hoặc ít nhất là tạo 1 danh sách thả xuống (drop-down list) cho chúng khi bạn có rất nhiều danh mục. Nhưng nếu cửa hàng của bạn chỉ có 10 danh mục, hãy liệt kê chúng.
  • Trang Danh mục cần một lời kêu gọi hành động thích hợp. Đừng e ngại, hãy thêm nút Xem thêm để thúc đẩy khách hàng.
  • Hình ảnh sản phẩm trong danh sách sẽ thuyết phục khách truy cập click, chọn mua hoặc so sánh một mặt hàng. Sử dụng hình ảnh đẹp với chất lượng tốt để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
  • Đặt tên sản phẩm thật cụ thể. Điều này vừa mạng lại lợi ích SEO, vừa giúp những người tìm kiếm các sản phẩm cụ thể dễ tìm thấy chúng trên website của bạn hơn.
  • Hiển thị thông báo nếu sản phẩm đã hết hàng. Không có gì đáng thất vọng hơn bằng việc tìm thấy sản phẩm bạn muốn mua, cho sản phẩm vào giỏ hàng và nhận ra không thể thanh toán.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tối ưu hóa các Trang đích (Landing page) của mình.

Tối ưu hóa trang đích

Trang đích là nơi khách truy cập tiếp cận khi họ theo liên kết từ bên ngoài website (công cụ tìm kiếm, fanpage,…). Các Trang đích trên cửa hàng trực tuyến cần được tối ưu hóa để gợi lên phản ứng cụ thể từ khách truy cập, chẳng hạn như mua một sản phẩm.

Tập trung vào một sản phẩm hoặc gói sản phẩm và tối ưu hóa trang đó để hướng dẫn khách mua hàng. Đảm bảo khách hàng cảm thấy an toàn khi thanh toán bằng cách thiết lập SSL trên trang web của bạn. Bổ sung các review từ khách hàng cũ để khách truy cập thấy được sản phẩm của bạn rất tốt và họ cần nó cho cuộc sống của mình.

Bạn nên sử dụng các tiêu đề và hình ảnh để gửi thông điệp của mình vì chúng gây ấn tượng đặc biệt đối với người xem. Tất nhiên, hãy chắc chắn rằng những điều này cung cấp đúng thông điệp cho khách hàng của bạn.

Và tương tự, chúng ta cũng cần tối ưu hóa Trang sản phẩm.


Tối ưu hóa Trang sản phẩm

Nói ngắn gọn, hãy khiến Trang sản phẩm càng dễ sử dụng càng tốt. Chúng cần được tối ưu hóa cho mục đích SEO. Và khi khách truy cập đến đây, bạn cần cố gắng hết sức để thuyết phục họ mua sản phẩm.



Cùng điểm qua một vài cách tốt nhất để Trang sản phẩm trở nên tối ưu hơn:

  • Tạo sự khan hiếm: nếu sản phẩm đó chỉ còn một số lượng hạn chế và được thể hiện ra, chúng sẽ thôi thúc khách mua hàng. Nhưng hãy trung thực về những con số.
  • Thêm xếp hạng và đánh giá: Nhận xét của khách hàng cũ sẽ giúp khách mới so sánh sản phẩm và xây dựng niềm tin.
  • Hàng có sẵn hay không: Hãy rõ ràng về điều đó, đừng để khách hàng thất vọng vì gần thanh toán mới biết sản phẩm không còn hàng.
  • Hãy luôn để 2 nút: Thêm vào giỏ hàng và Thêm vào danh sách mong muốn. Khách hàng có thể không muốn mua ngay vì ngân sách hoặc lý do khác.
  • Nhiều hình ảnh sản phẩm: Khách hàng không thể tự tay xem xét sản phẩm ngoài đời trước khi mua. Hãy giúp họ yên tâm hơn bằng cách cung cấp hình ảnh từ nhiều góc độ thay vì chỉ một hình ảnh.
  • Gợi ý combo sản phẩm: Mua sản phẩm này kèm với sản phẩm kia, vì chúng mang lại lợi ích lớn hơn nhiều. Bạn có thể cung cấp giảm giá cho combo để khuyến khích khách hàng.
  • Miễn phí vận chuyển, hoặc miễn phí vận chuyển cho đơn hàng đạt một giá trị nhất định. Điều này cung cấp thêm 1 lí do để khách hàng mua từ bạn.
  • Sản phẩm liên quan: ‘Những người đã mua sản phẩm này cũng mua sản phẩm kia’,… Nếu bạn cho khách hàng xem nhiều sản phẩm hơn, họ có thể sẽ chi nhiều tiền hơn.
  • Bổ sung hình ảnh khi sản phẩm được sử dụng: Mọi người sẽ hình dung dễ dàng hơn và cảm thấy cần sản phẩm của bạn để giải quyết vấn đề của họ.

Tất nhiên, Trang sản phẩm của bạn cần một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ. Trong hầu hết các trường hợp đó sẽ là nút Thêm vào giỏ hàng. Hạn chế tất cả các yếu tố nhiễu, hãy dùng màu sắc và lời kêu gọi chuẩn xác. Và nếu có thể, hãy thêm đánh giá tích cực đâu đó gần đấy (nhưng đừng gây nhiễu).

Sau Trang sản phẩm, khách hàng sẽ đến Giỏ hàng. Đây là một phần của quy trình thanh toán của bạn.

Tối ưu hóa Trang thanh toán

Bạn sắp chốt được đơn hàng. khách đã muốn mua sản phẩm của bạn. Vì vậy, hãy hướng dẫn họ đi đến Trang thanh toán. Điều đầu tiên bạn cần làm là nói cho khách biết họ đang ở đâu trong quá trình thanh toán. Hãy thêm một thanh tiến trình trên Trang thanh toán của website.


Khi bắt đầu quá trình thanh toán, bạn có thể cung cấp cho khách hàng cái nhìn tổng quan về các sản phẩm họ muốn mua. Tất nhiên, điều này giống như tổng quan về Giỏ hàng. Có một vài yếu tố được yêu cầu ở đây:

  • Hình ảnh sản phẩm: Thậm chí chỉ một hình nhỏ để xác nhận với khách hàng sản phẩm trong giỏ hàng.
  • Giá cả: Không chỉ là giá của một mặt hàng, mà còn cả số lượng mặt hàng và tổng giá.
  • Chi phí bổ sung: Ví dụ như chi phí vận chuyển. Không nên có thêm chi phí bất ngờ sau khi đã hoàn tất tổng quan về giỏ hàng.
  • Tùy chọn thanh toán: Để khách hàng biết họ có thể thanh toán bằng cách thuận tiện với họ nhất.
  • Dấu hiệu bảo mật: Như ổ khóa màu xanh lá cây và biểu tượng chứng chỉ SSL ngay bên dưới phần tổng quan về giỏ hàng.

Thông tin khách hàng

Hãy lưu thông tin khách hàng. Phải ghi lại thông tin mỗi lần mua hàng là mối phiền phức lớn đối với nhiều người.

Form (biểu mẫu) thông tin

Nếu bạn cần thông tin nhiều hơn email để xác nhận đơn hàng, hãy đảm bảo làm cho biểu mẫu càng ngắn càng tốt. Hãy suy nghĩ về những điều hữu ích như một checkbox (hộp kiểm) để xác nhận rằng địa chỉ giao hàng thực tế và trên hóa đơn giống nhau, thay vì khiến khách hàng điền thông tin chi tiết của họ hai lần.


Thanh toán

Giúp khách hàng thanh toán dễ dàng bằng các tùy chọn thanh toán và nhà cung cấp thanh toán đáng tin cậy. Chúng sẽ thay đổi tùy thuộc vào cửa hàng và cơ sở khách hàng của bạn.


Tập trung vào các yếu tố trên để tối ưu giao diện trên website của bạn. Bạn sẽ thấy rằng trải nghiệm người dùng tốt sẽ đưa kết quả SEO và tỷ lệ chuyển đổi trên website của bạn lên một tầm cao mới.


Nguồn: Hướng dẫn tối ưu giao diện website chi tiết để tăng trải nghiệm khách hàng