Từ Pokemon Go đến chiến lược tiếp thị thấu hiểu khách hàng

68
Pokemon Go đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất và phá vỡ kỷ lục trò chơi có lượt tải về nhiều nhất trên App Store, chỉ ngay trong tuần đầu ra mắt. Trò chơi tương tác ảo này của Nintendo đã trở thành cơn sốt trên các phương tiện truyền thông và phổ biến khắp mọi nơi. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, hàng triệu người có thể “bắt Pokemon” với Pokemon Go. Nhưng đây không giống như những trò chơi điện tử thông thường, nó mang lại định dạng trò chơi điện tử đặc biệt và mới mẻ, kết hợp công nghệ điện thoại di động với các địa điểm trên thực tế. Người chơi có thể tìm thấy, “nhử” và bắt Pokemon tại các địa điểm trong thực tế. Việc này đòi hỏi người chơi phải khám phá các khu vực xung quanh, phố phường, công viên hay các không gian công cộng. Pokemon Go tạo ra một loại kết nối và tương tác giữa người với người một cách vô cùng mới mẻ. Và tác động của trò chơi này lên cách sống, kết nối và mua sắm của mọi người có thể sẽ rất “sâu”. Theo Gregg Schwartz –

Phó chủ tịch bán hàng và tiếp thị Strategic Sales & Marketing (trụ sở tại Connecticut, Mỹ) – một trong những công ty hàng đầu về chiến lược tiếp thị và bán hàng, tuy chỉ là một hiện tượng văn hóa, nhưng Pokemon Go cung cấp một số gợi ý hấp dẫn cho chiến lược bán hàng và tiếp thị cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là:

1. Thắng lợi của SoLoMo

SoLoMo là một trong những thuật ngữ thông dụng trong những năm gần đây ở lĩnh vực marketing (Social: Mạng xã hội – Local: Địa phương – Mobile: Di động). Và Pokemon Go đã minh họa đầy đủ cho ý tưởng này.

Pokemon Go kết hợp mạng xã hội với chiến lược marketing địa phương (các doanh nghiệp nhỏ nhìn thấy lợi nhuận lớn trong doanh số thông qua lưu lượng khách hàng tăng thêm từ trò chơi Pokemon) và tất nhiên là cả sự di động nữa.

Pokemon Go hiện thực hóa khả năng tương tác của người chơi giữa thế giới ảo với thế giới thực theo nhiều cách mới mẻ. Điều này có ý nghĩa gì với chiến lược kinh doanh của bạn? Hãy tìm cách tiếp thị kết hợp tương tác thế giới thực với mạng xã hội. Nếu bạn sở hữu cả chuỗi cửa hàng bán lẻ, hãy tìm cách tăng lượng khách ghé thăm và tạo ra thật nhiều lượt check-in. Hãy để khách hàng tương tác với bạn cả ngoài đời thực cũng như trực tuyến.

2. Nền móng mới cho việc tiếp thị

Pokemon Go là trò chơi đầu tiên phổ biến rộng rãi của loại hình tương tác ảo, và dường như đã trở thành hình mẫu cho phương pháp tương tác hoàn toàn mới với người tiêu dùng và tạo ra các cộng đồng cả trong thế giới ảo lẫn đời thực.

Ví dụ, các thương hiệu có lẽ nên tạo ra trò chơi tương tác ảo của riêng mình, hoặc hợp tác với các nhà phát triển trò chơi tương tác ảo, mua quảng cáo, hay cung cấp tiền trong ứng dụng qua các trò chơi tương tác ảo của công ty khác.

Cũng như việc mua quảng cáo trên Facebook, có lẽ sau đó các công ty cũng có thể mua quảng cáo trong Pokemon Go, hoặc tài trợ các nhân vật Pokemon, hay tạo ra những cách khác để tương tác hiệu quả nhất với khách hàng trên nền tảng Pokemon Go.

Có nhiều khả năng mới rộng mở đối với việc làm sao để giao tiếp và gắn kết với khách hàng trong không gian tương tác ảo đầy mới mẻ này. Pokemon Go thú vị một phần vì nó mở ra những khả năng mới đối với hành vi tiêu dùng, và các thương hiệu cần phải sẵn sàng phát triển cùng với công nghệ.

3. Thay đổi ranh giới giữa “trực tuyến” và thực tế

Pokemon Go không phải là trò chơi trên “điện thoại thông minh”, cũng không phải là trò chơi “thực tế cuộc sống”, mà là sự kết hợp của cả hai yếu tố.

Thật thú vị và hấp dẫn khi sự phát triển của Pokemon Go là một phần của xu hướng rộng hơn nhằm tiến tới thời đại mới của IoT (Internet of Things – Mạng lưới vạn vật kết nối internet). Công nghệ cảm biến kỹ thuật số giá rẻ (một loại hình đã phát triển Pokemon Go) sẽ thay đổi cách mọi người tương tác với các đối tượng và không gian vật lý trên thực tế qua các thiết bị di động, theo những cách mà chúng ta chưa thể tưởng tượng đến.

Pokemon Go có thể là trò chơi tương tác ảo đầu tiên của loại hình này, nhưng khi công nghệ IoT trở nên công phu và lan rộng hơn, thành công “qua một đêm” của trò chơi dường như là dấu hiệu cho thấy những nền tảng hoàn toàn mới để kết nối và tương tác. Các ứng dụng cho công nghệ cảm biến này sẽ rộng rãi và đa dạng đến mức những công nghệ đột phá lớn hoặc những nền tảng hoàn toàn mới cho việc truyền thông có thể xuất hiện chỉ sau một đêm.

Ngay cả khi bạn không biết gì về “Pokemon”, thì đây vẫn là lúc thú vị cho bất cứ ai trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng. Pokemon Go là dấu hiệu của sự hội tụ công nghệ điện thoại di động và tương tác thực tế cuộc sống đang ngày càng tăng lên, và nó có những tác động đáng ngạc nhiên đối với cách mà các công ty tiếp thị và bán hàng.

Sự tăng trưởng của công nghệ IoT cũng sẽ giúp mọi người có khả năng tương tác theo những cách mới và làm mờ đi ranh giới giữa “trực tuyến” và đời thực. Điều này sẽ cần những mức độ đổi mới và sáng tạo chiến lược bán hàng và tiếp thị hoàn toàn mới.

Nguồn DNSG

NGỌC DIỆP (theo Entrepreneur)